Hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp: Vẫn vướng đủ bề

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ DN phát triển. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế tại một số DN nhỏ và hộ cá thể thì đa phần cho biết quá trình kinh doanh và chuyển đổi thành DN còn gặp rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ về thuế, mặt bằng sản xuất, thị trường…

Công nhân đang chạy dây chuyền sản phẩm công nghệ tại Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội (Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội). Ảnh: Khắc Kiên
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Chủ tịch Hội DNNVV huyện Phúc Thọ (Hà Nội) Hoàng Ngọc Linh - Tổng Giám đốc Công ty PLG Group thẳng thắn, hiện Luật Hỗ trợ DNNVV chưa đi sát thực tế sản xuất, kinh doanh của DN. Chính vì thế, tốc độ chuyển đổi lên DN của các hộ kinh doanh cá thể còn rất chậm và vướng. Nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa nhìn nhận được rõ ràng về mục đích của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, họ được gì và mất gì. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh có điểm xuất phát từ nông dân, buôn bán đơn giản, kinh doanh truyền thống nên yếu về kiến thức quản trị, marketing, kế toán, thuế, thiếu thị trường, nhất là khó khăn về mặt bằng sản xuất... “Khi còn là hộ kinh doanh với quy mô gia đình, diện tích nhà đất có thể phù hợp, khi chuyển sang DN lại thiếu diện tích sản xuất, kinh doanh nhưng chính sách đất đai hiện nay chưa thực sự hỗ trợ DN về vấn đề này” – ông Linh nói.
Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty CP Thương mại Gia đình Việt Nguyễn Ngọc Thúy nhận định, thủ tục về đất đai đang gây khó DN. Cụ thể, DN muốn mở rộng sản xuất thì gặp khó khăn trong việc chuyển đổi diện tích đất thổ cư đã mua thành sổ đỏ chính chủ được quyền kinh doanh.
Hay hiện các DN thành lập mới vẫn phải chi 100.000 đồng để đưa thông tin lên Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Tổng Giám đốc Công ty Hanotour Hồ Xuân Phúc thẳng thắn, số tiền tuy rất nhỏ nhưng nên bỏ vì không phù hợp với chủ trương khuyến khích chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên DN. Do đó, ông Phúc kiến nghị, Trung tâm hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội cần kí kết hợp tác với các văn phòng luật để cung cấp thông tin pháp lý cho DN, tạo ra các tổng đài tư vấn, giải đáp về mặt pháp lý và những khó khăn về thủ tục mà các DN đang gặp phải. Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành Bùi Ngọc Tường chỉ ra, DNNVV các huyện chưa thực sự hiểu về các thủ tục pháp lý là do công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng đến cấp huyện, xã. Bên cạnh đó là tâm lý “sợ thành DN” của các hộ kinh doanh cá thể vì liên quan tới thuế, số sách kế toán…
Cần những hỗ trợ sát sườn
Trước thực tế đó, nhiều DN kiến nghị TP có những chính sách hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh hơn nữa giúp DN có nền tảng, môi trường để phát triển mạnh mẽ. Theo đại diện Công ty PLG Group, TP nên dành quỹ đất cho các hộ kinh doanh cá thể mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thực tế, với huyện Phúc Thọ, số hộ cá thể lên tới con số vài nghìn nên quỹ đất cần rất lớn. Hơn nữa, các hộ kinh doanh cá thể rất cần những hệ sinh thái để phát triển, trong đó những DN “đầu đàn” của Hà Nội cần phát huy vai trò kết nối, tạo chuỗi liên kết, kích thích sản xuất, phát triển thương hiệu. Đây là giải pháp hỗ trợ thực chất nhất để các DNNVV và hộ kinh doanh có cơ hội chuyển đổi và phát triển.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội Mạc Quốc Anh, TP Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực, tạo cơ hội cho các DN trên địa bàn, bằng các chính sách hỗ trợ về thủ tục pháp lý, giải quyết hành chính, tổ chức đào tạo, hỗ trợ tài chính…
Hiện số lượng DN thành lập mới tại Hà Nội chủ yếu là DNNVV, do vậy chương trình hỗ trợ DN cần được TP đầu tư hơn nữa trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện cho DN gia nhập thị trường được ổn định và phát triển bền vững. Cùng với đó, Sở KH&ĐT tiếp tục phát triển các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ cho DN, phối hợp thêm với một số ngân hàng thương mại khác để mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ cấp trước số tài khoản ngân hàng cho DN. Xây dựng mô hình kết nối giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quá trình khởi sự DN, giúp DN hoàn thiện việc gia nhập thị trường nhanh nhất. Đặc biệt, tích cực phối hợp cùng các đơn vị để thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền tới người dân và DN về các nội dung cải cách trong đăng ký DN của TP, giúp DN biết đến và sử dụng các dịch vụ tiện ích hỗ trợ DN trên địa bàn TP Hà Nội…

Lũy kế hết tháng 8/2019 Hà Nội có trên 272.000 DN, tỷ lệ DNNVV chiếm 97% tổng số DN Hà Nội, đóng góp GDP 40%, tạo công ăn việc làm 50% lao động, tăng 9% so với cùng kỳ 2018 và tăng 40% lượng DN trước Nghị Quyết 35/NQ-CP; Cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) đáp ứng 1.000 hồ sơ ĐKKD/ngày (bình quân 1 cán bộ ĐKKD xử lý 25 - 30 hồ sơ/ngày; Vốn đăng ký trung bình (2016 – 2018): 7 tỷ đồng/DN… Để có kết quả đó, Sở đã ứng dụng CNTT trong các TTHC, cải cách TTHC trong đăng ký DN với việc triển khai mô hình Cơ quan ĐKKD thân thiện…

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Lê Văn Quân