Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồ sơ GPMB dự án khu đấu giá 3ha, quận Bắc Từ Liêm: Nghi vấn giả mạo chữ ký người dân

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Kinh tế & Đô thị đã có bài viết: “Dự án khu đấu giá 3ha, quận Bắc Từ Liêm: Khúc mắc trong giải phóng mặt bằng”. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, người dân Tổ 17, 18, phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) còn cho rằng, hàng chục Biên bản bàn giao Thông báo thu hồi đất đã bị giả mạo chữ ký.

 Một biên bản bị người dân cho là giả mạo chữ ký
Sai sót kỳ lạ

Trong đơn gửi đến Kinh tế & Đô thị, hàng chục hộ dân thuộc ngõ 291, đường Phú Diễn, địa bàn Tổ dân phố 17, 18, phường Phú Diễn đã bày tỏ việc không đồng thuận với mức hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án khu đấu giá 3ha. Tới nay, sau nhiều cuộc đối thoại, chính quyền và người dân nơi đây vẫn chưa thể tìm ra tiếng nói chung.

Ngày 20/7 vừa qua, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm, phường Phú Diễn và các phòng, ban liên quan tiếp tục có cuộc đối thoại với người dân Tổ 17, 18. Tại đây, nhiều vấn đề bức xúc đã được người dân nêu ra. Đặc biệt trong đó có nghi vấn hàng chục Biên bản bàn giao Thông báo thu hồi đất đã bị giả mạo chữ ký nhận của người dân. Bà Nguyễn Thị Loan, Tổ dân phố 17 cho biết, đã được mời đi đối thoại một lần về việc GPMB phục vụ dự án. “Những ngày sau, một số cán bộ vào nhà tôi vận động 2 lần, đưa 3 lần giấy lấy tiền đền bù và một lần giấy cưỡng chế nhưng tôi không nhận. Trong cuộc họp mới đây, luật sư có xin tài liệu của phường để nghiên cứu mới lộ ra Biên bản bàn giao Thông báo thu hồi đất. Tôi khẳng định có người ký thay tôi, chữ ký này không phải của tôi. Chính chủ đất là tôi, tên Nguyễn Thị Loan chứ không phải là Phí Mạnh Hùng (người đã ký vào Biên bản - PV)” – bà Loan bức xúc.

Tương tự, anh Đình Văn Hồng thông tin: “Tôi nhận được Biên bản bàn giao thu hồi đất mà sững sờ. Chữ ký trong văn bản này không phải của tôi. Tên tôi là Đình Văn Hồng chứ không phải là Đình Xuân Hồng; tên bố tôi là Đình Văn Dơi chứ không phải là Đình Giới như trong Biên bản viết dưới chữ ký giả”.

Như vậy, không chỉ một số chữ ký khiến người dân nghi vấn, mà ngay cả họ tên trong các Biên bản cũng có sự sai khác. Liệu có thể có nhiều người dân cùng một lúc, viết nhầm tên họ của mình trong các Biên bản liên quan đến quyền lợi thiết thân hay không (?).

Tổ này có được đại diện Tổ kia?

Đại diện nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho người dân Tổ 17, 18 thông tin, tại cuộc đối thoại ngày 20/7, người dân muốn biết vì sao quá trình lập dự án trên phạm vi sinh sống của mình, ảnh hưởng trực tiếp đến mình mà không được chính quyền địa phương, chủ đầu tư lấy ý kiến nhưng chưa được giải đáp.

Theo người dân Tổ 17, 18 phản ánh, về vấn đề này, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm đã đưa ra tài liệu có lấy ý kiến của người dân… Tổ 10. Bà Đinh Thị Nga – Tổ dân phố 17 đặt câu hỏi: “Sao lại có thể coi ý kiến của dân cư Tổ 10 là đại diện cho tất cả chúng tôi được? Chúng tôi là những người mất đất, không được hỏi đến, không được tự đại diện cho mình là như thế nào?”. Người dân đã đề nghị quận, phường cung cấp tài liệu chứng minh đã lấy ý kiến về Dự án và được hẹn đến cuối tháng 7 sẽ cung cấp.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cho biết, dù đã có Biên bản kiểm đếm tài sản, phục vụ GPMB từ năm 2016, nhưng đến nay người dân không được nhận. Ông Phí Văn Hoan - Tổ dân phố 17 bức xúc nói: “Kiểm đếm tài sản của chúng tôi từ năm 2016, đến nay đã 3 năm mà chúng tôi không biết Biên bản kiểm đếm như thế nào thì làm sao biết họ tính toán có chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật hay không?”.

Liên quan đến những câu hỏi của người dân, lãnh đạo UBND phường Phú Diễn cho biết, do đã nhiều năm qua, cán bộ địa chính cũng đã thay đổi nên phải rà soát lại hồ sơ, xem đúng sai như thế nào mới có thể trả lời chính xác. Trong khi đó, người dân Tổ 17, 18 phường Phú Diễn cam kết, sẵn sàng đi giám định chữ ký, đối chất với cơ quan chức năng về tất cả những bức xúc nêu trên.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.