Hồ sơ sinh viên, giáo viên Việt Nam tiếp tục bị tin tặc rao bán

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 12.000 hồ sơ thông tin cá nhân được cho là của giáo viên và sinh viên Việt Nam tiếp tục được rao bán trên một diễn đàn của hacker.

Theo thông tin từ bài đăng, dữ liệu này bao gồm hơn 10.000 hồ sơ của học sinh và giáo viên từ một trang web đào tạo trực tuyến, hơn 2.000 dữ liệu còn lại đến từ các nguồn khác. Những thông tin này bao gồm tên, ngày sinh, giới tính, quê quán, mã sinh viên, địa chỉ email và số điện thoại.
 Hồ sơ sinh viên, giáo viên Việt Nam tiếp tục bị tin tặc rao bán.
Khi thử liên hệ với một số điện thoại ngẫu nhiên trong danh sách mà hacker đăng tải, sinh viên A. tỏ ra vô cùng hoang mang khi những thông tin cá nhân của mình xuất hiện trên Internet. Người này cũng xác nhận rằng những dữ liệu mà tài khoản được công khai trùng khớp thông tin cá nhân của mình. Hiện tại, hacker không công khai mức giá của những dữ liệu trên.
Thời gian gần đây, thông tin cá nhân, dữ liệu của người Việt liên tục bị rao bán trên Internet. Vào ngày 13/8, cũng trên diễn đàn R*forums, một tài khoản có tên "xiaolin1983" đã đăng bài chào bán dữ liệu của hơn 300.000 sinh viên từ 10 trường đại học của Việt Nam.
"Tôi sở hữu nhiều dữ liệu quan trọng, có thể hữu ích cho mục đích tiếp thị, quảng cáo", tài khoản viết. Ngoài các thông tin cơ bản của sinh viên như tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại, tệp dữ liệu còn chứa nhiều thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, hình ảnh chứng minh nhân dân, địa chỉ liên lạc phụ huynh… Tuy nhiên, hacker không nêu rõ các dữ liệu này được thu thập từ khi nào.
Theo mô tả từ hacker này, dữ liệu được rao bán bao gồm các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hình ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu, khóa học, lớp học, thậm chí là tên của cha mẹ và công việc.
Theo phản ánh của các trường Đại học lớn, các trường có cách quản lý hồ sơ sinh viên trong mạng nội bộ và được bảo mật, chỉ có nhà trường quản lý thông tin không đưa lên mạng,
Chuyên viên an toàn thông tin mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), thành viên sáng lập dự án Chống Lừa Đảo – chongluadao.vn, cho biết thường những dữ liệu này, các tin tặc (hacker) có thể Bán dữ liệu, mua lại dữ liệu này để đi lừa đảo hoặc phishing, mua lại dữ liệu này và đi bán với giá cao hơn ở một nơi khác. Các trường đại học cần tăng cường bảo mật qua kiểm thử, tường lửa cho Web và siết chặt các quyền điều hành trên hệ thống.