Tấm lòng người Bát Tràng
Giá trị của đôi rồng gốm sứ mô phỏng rồng thời Lý không phải ở việc được đầu tư 1,5 tỷ đồng để thực hiện, cũng không phải ở tấm bằng ghi nhận kỷ lục Guines, mà là tấm lòng của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình và hơn 20 người thợ lành nghề làng Bát Tràng. Đôi rồng được làm từ 6.000 đĩa và hơn 4.000 cốc nước men đặc biệt. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã thể hiện màu men ngọc trên hầu hết tác phẩm. Đây là loại men có tên celadon, được nghiên cứu từ một bài men có từ đầu thời Lý dùng sản xuất gốm sứ. Mình rồng dài 15m (nếu tính theo đường uốn khúc dài 35m), cao 8,2m (kể cả bệ), đường kính 90cm (nơi phần thân cao nhất) và mỗi con ngậm trong miệng một viên ngọc xanh, làm bằng đá ngọc quý tự nhiên, nặng 57kg. Phần rồng được chế tác bằng bêtông cốt thép có kết cấu đảm bảo độ bền vững. Tổng trọng lượng của đôi rồng tới trên 60 tấn. Hơn nữa, khi chế tác đôi rồng, nghệ nhân và các thợ làm nghề phải tính sao khi sắp đặt tác phẩm không bị đánh giá sai lệch, không nhầm sang mẫu rồng của triều đại khác.
Các nghệ nhân đã chọn đền thờ Chử Đồng Tử, một trong "Tứ bất tử" của huyền thoại dân gian Việt
Rồng gặp nước
Không để kỷ vật cung tiến nằm lặng lẽ trong không gian trưng bày nhỏ bé ở công viên Bách Thảo, ngay sau khi kết thúc chuỗi ngày kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, đơn vị được giao tiếp nhận kỷ vật đã trăn trở tìm nơi diện kiến đôi rồng gốm sứ lâu dài. Sau nhiều lần trao đổi, người ta đã thống nhất dành 2,5 tỷ đồng để xây dựng bệ rồng trên mặt Hồ Tây cách bờ kè 7m để rồng được gặp nước. Vị trí của bệ rồng không phải ở đường Thanh Niên tấp nập, ồn ã mà tại phía đô thị mới của Thủ đô, điểm cắt giữa đường Nguyễn Hoàng Tôn với đường Lạc Long Quân. Công trình này sẽ không chỉ nhấn mạnh về độ bền, độ chắc của bệ mà còn thiết kế thêm 4 cột đèn chiếu sáng, hai máy bơm nước đặt ở miệng rồng tạo nên nét sinh động cho loài vật mang tính linh thiêng. Lại một lần nữa, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm lắp đặt kỷ vật. Khi món quà được nâng niu trân trọng, ông coi đó là một niềm hạnh phúc.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: "Năm 2012 là năm con rồng, nên tôi thấy rất hợp lý khi lựa chọn lắp đặt bệ rồng tại cuối đường Nguyễn Hoàng Tôn (Nhật Tân, Tây Hồ). Tuy nhiên, đứng ở góc độ văn hóa, tôi chỉ xin lưu ý đơn vị thực hiện chú ý về hình thức, màu sắc của bệ phải phù hợp với đôi rồng sứ để vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, thể hiện sự trân trọng kỷ vật, trân trọng tấm lòng của con cháu hậu duệ thời Lý". Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán năm Nhâm Thìn. Như vậy, công trình này đã thêm một lần khoác lên kỷ vật những giá trị tinh thần to lớn với lịch sử và người dân.