Ba giá trị cốt lõi
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Trưởng Ban Quản lý hồ Tây Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận” đã xác định 3 tiêu chí cốt lõi, quan trọng, khi xây dựng và triển khai gồm: phạm vi nghiên cứu bao gồm nhưng không giới hạn các vấn đề liên quan mật thiết giữa giá trị của hồ Tây với quận Tây Hồ, với thành phố Hà Nội nói riêng và với Việt Nam nói chung. Đó là, phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch và quan trọng là định hướng Quy hoạch các chức năng không gian.
Lấy người dân - hệ sinh thái tự nhiên của hồ Tây - các yếu tố lịch sử, di sản làm trọng tâm cho mọi hoạt động để tạo ra yếu tố văn hóa đặc trưng, khác biệt của hồ Tây trong quá trình phát triển, dịch chuyển hồ Tây trở thành trung tâm mới của Thủ đô Hà Nội; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia triển khai thông qua tính kết nối giá trị và tính thực tiễn, giữa cơ quan quản lý Nhà nước với người dân và đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Cùng với đó, đề án phải đảm bảo khả năng tiếp cận với mặt nước của người dân - du khách từ mọi hướng theo định hướng TOD - lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị; tăng cường khả năng thưởng lãm hồ Tây và tận hưởng lợi ích từ mặt nước; quy hoạch cần lan tỏa giá trị của hồ Tây với phân vùng tiểu đô thị phù hợp; xây dựng hồ Tây - Trung tâm hành chính, văn hóa, du lịch mới của Hà Nội kết nối toàn bộ các trục quy hoạch không gian quan trọng, tầm nhìn 2050; quy hoạch bền vững với hệ sinh thái hồ Tây là trọng tâm.
Từ những điều kiện trên, quận Tây Hồ đề xuất nghiên cứu định hướng Quy hoạch phân toàn bộ địa giới hành chính quận Tây Hồ lấy hồ Tây làm trung tâm thành 5 tiểu vùng với các đặc điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên, các thế mạnh nổi trội và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gồm: tiểu vùng kinh tế cộng đồng và du lịch sáng tạo; đô thị động lực văn hóa và tâm linh; đô thị kết nối trung tâm Thủ đô; kinh tế đô thị và du lịch tâm linh; trung tâm tài chính - hành chính mới.
Thận trọng trong việc triển khai
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở QH&KT đánh giá cao những đề xuất của đơn vị tư vấn, quận Tây Hồ đã đưa ra trong việc nâng tầm, phát huy giá trị hồ Tây như: hệ thống Bát Cảnh; cầu đi bộ qua hồ Tây từ khu vực Văn Cao vào bán đảo Quảng An…
Tuy nhiên, đại diện Sở QH&KT cho biết, cần phải mở rộng khu vực vùng phụ cận, bởi hiện nay vùng phụ cận mới dừng đến những vùng trên địa bàn quận, chưa tính đến những tác động đối với các quận xung quanh, đơn cử là quận Ba Đình.
Trong khi đó, đại diện Viện QHXD Hà Nội cho rằng, hồ Tây không chỉ là trung tâm mới của thành phố, đây còn là khu vực kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực xung quanh. Do đó, quận Tây Hồ cần có những biện pháp giám sát chiều cao các công trình xây dựng trong khu vực; tăng cường chỉnh trang đô thị; tổ chức giao thông… để đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, khách du lịch.
Đồng quan điểm trên, đại diện Viên Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho hay, hồ Tây có 2 giá trí lớn nhất là hồ nước ngọt lớn nhất Thủ đô; nơi tập trung các giá trị văn hoá đậm đặc… Do đó, khi triển khai đề án cần làm rõ hơn, cụ thể hơn về nội dung phát triển gắn với bảo tồn phát triển văn hoá; nghiên cứu và bổ sung những luận cứ để luận giải các vấn đề liên quan đến các hạng mục nhằm phát triển hồ Tây, theo quy định của Luật Thủ đô.
Về vấn đề này, đại diện Sở GTVT đồng tình với đề xuất của quận Tây Hồ về việc khẩn trương thực hiện các dự án điểm đỗ xe trên địa bàn nói chung và khu vực quanh hồ Tây nói riêng. Theo Sở GTVT, hiện nay, việc kêu gọi xã hội hoá xây dựng các bãi đỗ xe gặp không ít khó khăn. Do đó, đề nghị quận đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước để thực hiện các bãi đỗ xe nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong khu vực.
Mở rộng vùng phụ cận của đề án
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá cao quyết tâm và những đóng góp, đề xuất của đơn vị tư vấn, quận Tây Hồ trong việc xây dựng đề án bảo tồn và phát triển giá trị của hồ Tây. Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đơn vị tư vấn, quận Tây Hồ tổng hợp, lắng nghe ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự án, sự đồng thuận của Nhân dân.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, hiện nay, quận Tây Hồ đã có quy H2-1 khu vực phía Tây quận, đường Vành đai 2; Quy hoạch sông Hồng tại khu vực phía Đông của quận… Do đó, đề án quy hoạch phát triển hồ Tây cần được tích hợp chung vào quy hoạch chung của thành phố để tạo điều kiện tốt nhất trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hồ Tây.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đơn vị tư vấn, quận Tây Hồ bổ sung các hạng mục phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, lấy ý kiến của nhiều chuyên gia trong việc xây dựng đề án. Nghiên cứu mở rộng các ý kiến của sở, ngành, đặc biệt là việc mở rộng khu vực phụ cận của đề án, đặc biệt là các trục phát triển kinh tế - xã hội, các tiểu vùng phát triển. Trong đó, nên xem xét đưa khu vực hồ Trúc Bạch vào khu vực vùng phụ cận.
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, đề án đặt mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ sẽ trở thành trung tâm mới với định hướng phát triển trở thành “Thành phố Công viên Quốc gia”. Song, đây là một khái niệm khá mơ hồ, các đơn vị chức năng cần xem xét lại. Trong đó cần lưu ý trong việc xác lập các khu vực vườn hoa, công viên, không gian mở, đặc biệt là khu vực chuyển tiếp từ mặt nước lên bờ… để tạo điểm nhấn, thu hút người dân, khách du lịch đến với hồ Tây, đến với quận Tây Hồ.