Hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cho người lao động để phục hồi sản xuất

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để phục hồi và phát triển thị trường lao động, ngành LĐTB&XH sẽ giải quyết 5 nhóm vấn đề, trong đó hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền mặt cho 2 nhóm đối tượng lao động trả tiền thuê trọ, DN được vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động (NLĐ).

6 giải pháp phục hồi thị trường lao động

Thị trường lao động trong nước hiện nay đã phục hồi và đảm bảo cơ bản, nhân lực sau Tết đáp ứng được 85% nhu cầu của DN. Khảo sát của Bộ LĐTB&XH tại các tỉnh, TP, vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, các DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người. Để từng bước phục hồi và phát triển thị trường lao động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định 1405/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, người lao động sẽ được hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền mặt để trả tiền thuê nhà trọ. Ảnh: Phạm Hùng.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, người lao động sẽ được hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền mặt để trả tiền thuê nhà trọ. Ảnh: Phạm Hùng.

Bộ LĐTB&XH đưa ra 6 giải pháp thực hiện Chương trình hỗ trợ và phát triển thị trường lao động, trong đó tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ đảm bảo an sinh xã hội, thu hút NLĐ quay trở lại làm việc. Theo đó, NLĐ ngoại tỉnh được hỗ trợ các chi phí về sinh hoạt phí tối thiểu, đi lại, y tế; hỗ trợ bổ sung thêm chi phí cho NLĐ đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai. Đồng thời, hỗ trợ sắp xếp nơi ở tạm hoặc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian mới đến làm việc để ổn định cuộc sống.

Chương trình cũng đặt ra giải pháp hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ, bao gồm: Hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ DN hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký tuyển chọn nguồn lao động trực tiếp, tổ chức đào tạo trực tiếp cho NLĐ tại địa phương; giảm lãi suất, bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ quốc gia về việc làm để cho các hộ kinh doanh vay phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ.

Để phát triển thị trường lao động, Bộ LĐTB&XH cũng đề ra việc tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho NLĐ để kịp thời cung ứng cho DN; tập trung đào tạo, bồi dưỡng lao động ở vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn một số ngành nghề có nguy cơ thiếu hụt nhiều nhất để đào tạo, bồi dưỡng. Cùng với đó là giải pháp hỗ trợ đầu tư cho các trường chất lượng cao để tăng cường năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, có kỹ năng nghề phục vụ và phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh hoạt động kết nối cung cầu lao động để giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm, Bộ LĐTB&XH chuẩn bị sẵn phương án huy động bổ sung phát triển lao động từ các nguồn dự trữ như học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.

Trình Chính phủ dải ngân 6.600 tỷ đồng

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 do Quốc hội ban hành, phục hồi an sinh được coi là một trong 5 nhiệm vụ. Trong phục hồi an sinh, vấn đề được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động. Để phục hồi thị trường lao động thì tập trung giải quyết 5 nhóm vấn đề, thứ nhất là cho NLĐ được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, mức vay có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/người. Thứ hai, hỗ trợ 6.600 tỷ đồng tiền mặt cho 2 nhóm đối tượng: NLĐ đang ở thuê, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm sẽ được hỗ trợ 3 tháng; khuyến khích NLĐ quay trở lại thị trường lao động trước đây, được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà nhưng mức cao gấp đôi so với người đang làm việc tại chỗ.

Người sử dụng lao động được hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: Trần Oanh.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm. Ảnh: Trần Oanh.

Chính sách hỗ trợ thứ ba được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội sử dụng một khoản tiền tương đối lớn hỗ trợ cho DN vay với mức lãi suất rất thấp để xây ký túc xá, xây dựng nhà cho công nhân mua hoặc thuê. Tiếp đó là lấy một khoản từ ngân sách Nhà nước cho công nhân vay với mức lãi suất rất thấp để mua nhà giá rẻ. Thứ năm là sẽ hỗ trợ cho DN vay không lãi suất để trả lương cho NLĐ cho đến hết ngày 31/3. Đồng thời, hỗ trợ DN đào tạo miễn phí từ nguồn kinh phí 7.500 tỷ đồng đã được cung cấp. “Tôi nghĩ, với cách tư duy như vậy, chúng ta tạo ra nhiều cách khác nhau để hỗ trợ NLĐ, đó là chưa kể các tổ chức đoàn thể khác. Trước ngày 15/2/2022, Bộ sẽ trình với Chính phủ, báo cáo với thường vụ Quốc hội thông qua việc tiến hành giải ngân 6.600 tỷ đồng hỗ trợ cho công nhân, chính sách cho vay phục hồi sản xuất” – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2022, ngành LĐTB&XH thực hiện 2 nhiệm vụ có tính chất chiến lược đó là triển khai nhanh nhất, có hiệu quả nhất phục hồi xã hội, đặc biệt là phục hồi thị trường lao động và đời sống của người dân; tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội đồng bộ nhưng hướng tới tất cả mọi đối tượng với hai trụ cột là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Từ hai vấn đề trên, ngay những tháng đầu năm 2022, Bộ LĐTB&XH triển khai 6 nội dung phục hồi về mặt xã hội. Trong đó, quan tâm đến vấn đề rất căn bản đó là sàn tối thiểu của NLĐ, bao gồm nhà ở, hỗ trợ NLĐ ở các khu công nghiệp, nhất là các vùng trọng điểm kinh tế; tạo điều kiện để NLĐ quay trở lại thị trường lao động trước đây; hỗ trợ cho NLĐ không có nhu cầu quay trở lại thị trường trước đây tìm được việc làm mới.