Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Quyết liệt các giải pháp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo số liệu mới nhất của Cục Thuế TP Hà Nội, đã có thêm 5.310 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn ngừng hoạt động, giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh do phải đối mặt với những khó khăn thách thức vì suy giảm kinh tế.

Số lượng này đã bằng 47% năm trước, nhưng tăng tới 87% so với bình quân quý của năm 2011. Trong khi đó, số DN mới thành lập trên địa bàn thành phố tính đến hết quý I năm nay là 3.256 DN, chỉ bằng 85% so với cùng  kỳ năm trước.

“Hấp thụ vốn”, mối lo của doanh nghiệp

Nguyên nhân chính vẫn là do lực cầu giảm mà cụ thể là sức mua của người tiêu dùng rất thấp. Giải quyết bài toán hàng tồn kho trong tình hình hiện nay là một thách thức lớn đối với DN, nhất là những DN thiếu vốn, nguồn vốn bị ứ đọng, DN không thể quay vòng vốn kinh doanh. Ngoài nhóm ngành vật liệu xây dựng, tồn kho trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng chiếm tỷ trọng khá cao. Tại Hà Nội, nhiều siêu thị điện máy đang có mức tồn kho lên tới 300 tỷ đồng. Các siêu thị đã phải dùng "chiêu" thế chấp hàng tồn kho để vay vốn ngân hàng, nhằm duy trì hoạt động. Theo ước tính của một số DN phân phối hàng tiêu dùng có quy mô lớn tại Hà Nội, các loại mặt hàng như rượu - bia - nước giải khát, bánh kẹo… cũng có mức tiêu thụ giảm khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ 2011.

Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát và tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của các DN bị suy giảm mạnh cho dù các ngân hàng đã cải thiện khả năng cung ứng vốn và lãi suất có xu hướng hạ một cách chắc chắn. Tình hình tài chính của nhiều DN xấu đi nghiêm trọng, làm cho DN không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho rằng, vay được cũng không để làm gì vì càng vay càng hoạt động, càng thua lỗ…

Tác động tiêu cực từ tình hình suy giảm kinh tế này thể hiện qua số thu ngân sách trên địa bàn. Dù 4 tháng qua, thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội đạt 52.003 tỷ đồng, bằng 35,6% dự toán, song trong đó, nộp ngân sách của các DN lớn đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có tới 1.416 DN giảm số thuế nộp ngân sách là 3.540 tỷ đồng, trong đó 265 DN giảm nộp từ 1 tỷ đồng trở lên. Nếu đánh giá nguồn thu ngân sách theo địa bàn, thì số thu của các quận lớn chỉ bằng trên dưới 40% so với cùng kỳ năm trước; một số quận, huyện có số thu thấp hơn 30% so với cùng kỳ…

6 nhóm giải pháp hỗ trợ

Dù mới ban hành được 4 ngày nhưng Nghị quyết 13/2012/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có các giải pháp gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập đối với một số doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất cũng được rất nhiều DN TP quan tâm.

Sau khi Chính phủ quyết định triển khai gói giải pháp tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN và thị trường, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành sớm có ngay nhưng biện pháp nhằm kịp thời hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Theo đó, trong những tháng còn lại của năm nay, TP đề xuất 6 nhóm giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách được giao. Trong đó, thành phố yêu cầu cơ quan thuế, hải quan kịp thời triển khai nhóm giải pháp ưu đãi về thuế, phí của Chính phủ như: Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN còn nợ ngân sách Nhà nước của năm 2011; giảm tiền thuê đất và giảm 30% tiền thuế thu nhập DN phải nộp năm 2012 và miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập DN của một số đối tượng… đồng thời, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN. Trung tuần tháng 5 này, một đề án tổng thể hỗ trợ DN dự kiến cũng sẽ được TP phê duyệt. Đây cũng thể hiện sự quyết liệt trong việc đồng hành cùng các DN vượt qua khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP trong năm 2012 này.