Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động về việc làm và thu nhập

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tháng Công nhân (1/5 – 31/52022) có gặp gỡ đối thoại giải quyết các khó khăn, bức xúc của công nhân; chăm lo, giúp đỡ công nhân lao động; ấn nút Chương trình “Giờ thứ 9+”... Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí.

 “Giờ thứ 9+” chăm lo đời sống tinh thần của công nhân

Thưa ông, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, Tháng Công nhân năm 2022 sẽ có những hoạt động gì được triển khai để thực sự là tháng của người lao động (NLĐ) và khích lệ tinh thần làm việc của họ?

- Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh vừa phòng chống dịch nhưng đặc biệt là chúng ta vẫn phải tập trung phục hồi và phát triển sản xuất. Khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, năm nay Tổng Liên đoàn nêu ra định hướng của 10 hoạt động lớn để các địa phương, các ngành và từng công đoàn cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tế của đơn vị mình để tổ chức.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong Tháng Công nhân năm 2022 sẽ thúc đẩy các giải pháp để hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động về việc làm và thu nhập. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, trong Tháng Công nhân năm 2022 sẽ thúc đẩy các giải pháp để hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động về việc làm và thu nhập. Ảnh: Trần Oanh.

Trong đó, thứ nhất, chúng tôi tập trung vào mấy việc chính, đó là, thúc đẩy các giải pháp để hỗ trợ, chăm lo cho NLĐ về việc làm và thu nhập. Thứ hai, là tạo nên sự quan tâm của cả xã hội nhất là hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của tổ chức công nhân, đóng góp của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới. Trong đó, một trong những nội dung được quan tâm là tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức gặp gỡ đối thoại để giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của công nhân, nhất là những khó khăn được dồn nén từ các năm đại dịch vừa qua.

Cũng trong Tháng Công nhân, chúng tôi tuyên truyền và khẳng định vị thế của tổ chức, hình ảnh của người công nhân Việt Nam trong thời đại mới mà ở đó có những người thực sự tiên phong, trách nhiệm, sáng tạo và đi đầu trong việc phát triển kinh tế xã hội và khát vọng…

Điểm đặc biệt trong Tháng Công nhân năm nay là gì, thưa ông?

- Chúng tôi tổ chức các hoạt động theo hướng mở. Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát tốt rồi, các đơn vị có thể tổ chức những hoạt động đông người đến được với từng NLĐ, công đoàn cơ sở để hỗ trợ để chăm lo, giúp đỡ cho công nhân lao động nhiều hơn.

Ngoài ra, những địa phương có tình hình dịch bệnh còn phức tạp thì sẽ lựa chọn hình thức tổ chức cho phù hợp. Chúng tôi có thể tổ chức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Và có một cái đặc biệt nữa, đó là cuối Tháng Công nhân năm nay, chúng tôi sẽ chính thức phát động, ấn nút chương trình giải trí truyền hình “Giờ thứ 9+”. Đây là điểm mới, là một trong những diễn đàn để giúp chăm lo đời sống tinh thần của công nhân lao động nhưng cũng là một trong những loại hình giải trí tuyên truyền các chính sách pháp luật. Qua đó, giúp cho chính sách pháp luật đến với công nhân một cách gần gũi, dễ dàng và thuận lợi hơn.

Phân phối lợi ích đảm bảo công bằng

Trong năm qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và phát huy Chương trình “1 triệu sáng kiến” trong đó có hỗ trợ để giúp DN phát triển. Trong năm nay, Tổng Liên đoàn hướng tới “1 triệu sáng kiến” và có kỳ vọng thế nào?

- Chương trình “1 triệu sáng kiến” được chúng tôi triển khai trong 2 năm 2022 và 2023 để hướng tới chào mừng Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13. Chúng tôi yêu cầu tất cả công đoàn căn cứ vào điều kiện thực tế đều phải triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến”, một mặt giúp cho công nhân lao đóng góp cho sự phát triển của DN; đồng thời đây chính là cơ hội để tăng thêm thu nhập cho NLĐ, đóng góp cho sự phát triển của đất nước giai đoạn đang phục hồi và phát triển kinh tế. Chúng tôi nghĩ rằng, khi được thúc đẩy bằng những giải pháp như chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đi kiểm tra, giao ban thì chắc chắn Chương trình “1 triệu sáng kiến” được các đơn vị thực hiện quyết liệt hơn và hiệu quả hơn.

400 nữ công nhân lao động được khám sức khỏe sinh sản miễn phí tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh, lao động năm 2022, do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Trần Oanh. 
400 nữ công nhân lao động được khám sức khỏe sinh sản miễn phí tại Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh, lao động năm 2022, do TP Hà Nội tổ chức. Ảnh: Trần Oanh. 

Vậy, thời gian tới, tổ chức Công đoàn tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ công nhân, NLĐ tìm kiếm việc làm bền vững và ổn định tâm lý cuộc sống sau đại dịch Cpvid-19?

- Trong định hướng chung của Tổng liên đoàn, thứ nhất chúng tôi dành nhiều nguồn lực hơn nữa trong việc chăm lo, bảo vệ NLĐ; hướng tới những hoạt động thực chất gắn với cơ sở, đặc biệt quan tâm đến những NLĐ yếu thế, lao động nữ, lao động ở những vùng đặc biệt khó khăn.

Trên cơ sở định hướng như vậy, chúng tôi nghĩ rằng các giải pháp đưa ra phải rất tổng thể. Hiện nay, Chính phủ đang bước vào giai đoạn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chúng tôi tham gia các chính sách một cách thuyết phục để gửi gắm những mong muốn, tâm tư của NLĐ giúp họ thực sự là vừa là chủ thể của sự kiến tạo, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất nhưng cũng là đối tượng được thụ hưởng xứng đáng.

Thứ hai là, chúng tôi tiếp tục thiết kế những mô hình, đăc biệt là phát triển phúc lợi của cơ sở. Qua đó để giúp cho NLĐ tiếp cận được với các mô hình phúc lợi ở từng địa phương, ví dụ như là chương trình ký kết với các đối tác để hỗ trợ NLĐ; sử dụng các nguồn quỹ để hỗ trợ cho những NLĐ khó khăn. Thứ ba là, chúng tôi tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Thứ tư, tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động, nhất là đối thoại, thương lượng khi kinh tế phát triển, DN ngày càng có những lợi nhuận nhiều hơn thì sự sẻ chia với NLĐ, phân phối lợi ích đảm bảo công bằng.

Xin cảm ơn ông!