Theo đó, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt sử dụng và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, quy định trần lãi suất huy động và từng bước điều chỉnh giảm dần, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đảm bảo thanh khoản, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định.
Đặc biệt, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thấp hơn từ 1 - 2% so với mặt bằng lãi suất chung (điều chỉnh giảm từ mức 15% xuống hiện nay là 6,5%/năm). Đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm và chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006. Đây là yếu tố tích cực để hỗ trợ hoạt động của HTX.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng, khởi đầu là Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010, nay được thay thế bằng Nghị định 55/2015/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 116/2018/NĐ-CP với nhiều ưu đãi về các mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Theo đó, các HTX, LHHTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được các TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 1 - 3 tỷ đồng; các HTX hoạt động theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70 - 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất, kinh doanh.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, nguồn vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã đạt kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn từ 2003 - 2018, doanh số cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX đạt 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.610 tỷ đồng; số khách hàng còn dư nợ tăng từ 787 khách hàng năm 2003 lên 1.808 khách hàng còn dư nợ thời điểm cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ cho vay đối với các HTX, liên hiệp HTX nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tăng từ 114 tỷ đồng năm 2003 lên 771 tỷ đồng vào cuối năm 2018 (gấp 6,8 lần).