Hội thảo đem đến thông tin về dự án “Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam” (gọi tắt là GIC Việt Nam). Đây là dự án hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài. Dự án do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng GIZ thực hiện, với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức.
Dự án được triển khai tại 6 địa phương: An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ, từ năm 2020 - 2024. Theo đó, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15 - 20%; đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường cho 12.000 nông hộ.
Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) của 2 chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.
Theo Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ Oemar Idoe, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của BĐKH, nếu không thay đổi mô hình sản xuất thì nông nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn. “Trong những thời điểm đầy thách thức như hiện nay, đối thoại, phối hợp và hợp tác là cấp thiết, đặc biệt khi sự thịnh vượng và an ninh lương thực đang gặp nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu” - ông Oemar Idoe nói.
Đại diện GIZ cho hay, dự án GIC cùng các đối tác mong muốn được tiếp cận với các DN, các bên liên quan trong lĩnh vực thực phẩm - nông nghiệp và công chúng nói chung nhằm giới thiệu cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đồng thời xác định cơ hội hợp tác cụ thể và trao đổi về những ưu tiên và mục tiêu cho tương lai.
Ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện hình thức kinh tế tập thể như mô hình “Cánh đồng lớn” gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững.
Nguyên nhân một phần là do tập quán sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, chưa tạo được vùng nguyên liệu lớn phục vụ cho liên kết. Mặt khác, khi giá cả thị trường biến động thường xuyên dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Giữa DN và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung về chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro; tỷ lệ liên kết đạt thấp là do thiếu hệ thống tổ chức sản xuất và tiêu thụ, từ đó dẫn đến điệp khúc “được mùa mất giá”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, việc triển khai thực hiện dự án GIC là hết sức có ý nghĩa và thiết thực trong việc cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường. Các tỉnh tham gia dự án kỳ vọng những biện pháp, giải pháp phát triển tổ chức nông dân để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, để áp dụng thành công các đổi mới sáng tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chính là đổi mới về quy trình sản xuất, về tổ chức sản xuất, về kết nối thị trường để nâng cao giá trị của sản phẩm, đặc biệt chú ý đến các hộ sản xuất. Những đối tượng chính của chuỗi giá trị sản phẩm này chính là hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) và DN.
Theo ông Trần Thanh Nam, thời gian qua, dự án, đề án rất nhiều nhưng khi đi vào hỗ trợ lại tách biệt ra hỗ trợ cho từng nhóm. Dự án này mong muốn định hướng lại làm theo một chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ khâu giống, gieo sạ, chăm sóc đến khâu thu hoạch, sơ chế, chế biến ra thành phẩm ra đến thị trường.
“Đối với Bộ Nông nghiệp, chúng tôi xác định xây dựng vùng nguyên liệu làm đối tượng để liên kết lại thực hiện. Mỗi tỉnh phải xác định được vùng nguyên liệu ở đâu, bao nhiêu héc ta, tập trung vấn đề gì. DN, HTX, nông dân và cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp mà hiện nay chúng tôi đang khôi phục và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng sản xuất tham gia vào các dự án thì mới hoàn chỉnh được” – Thứ trưởng Nam cho hay.