Hỗ trợ để doanh nghiệp bứt phá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng Cục Thống kê vừa công bố, tháng 1/2020, số lượng DN thành lập mới đạt gần 8.300 DN, tuy giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng mạnh 76,8%, đạt 267.200 tỷ đồng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 32,3 tỷ đồng, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 234.200 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 3.652 DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2020 là 501.400 tỷ đồng.
Đây là tín hiệu khả quan đầu năm, khác với trước đây, số DN mới nhiều, nhưng đại đa số quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Xét về tỉ trọng, vốn đăng ký bình quân năm 2016 là hơn 4 tỷ đồng/DN, đến đầu năm 2017 tăng lên 5 tỷ đồng/DN. Vốn đăng ký bình quân trên một DN trong năm 2017 đạt 10,2 tỷ đồng.
Đến năm 2019, số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn DN, vốn đăng ký bình quân một DN đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Như vậy, số vốn bình quân một DN đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019. Và gấp hơn 8 lần so với năm 2016.
Nếu như trước đây, lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư lớn là DN kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, lĩnh vực quan trọng để tạo ra sản phẩm cho xã hội là công nghiệp chế biến - chế tạo; nông, lâm nghiệp và thủy sản lại chưa được nhiều DN đầu tư. Nhưng trong tháng 1/2020 có 5 lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 8,6%; thông tin và truyền thông tăng 8%; KHCN, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 4,6%; giáo dục, đào tạo tăng 2% và dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 0,2%...
Đến hết năm 2019, Việt Nam đã có hơn 800.000 DN và cố gắng phấn đấu trong năm 2020 thêm khoảng 20% nữa để đạt mục tiêu 1 triệu DN. Quan trọng hơn, bên cạnh số lượng, chúng ta cũng muốn nâng quy mô và năng lực cạnh tranh của DN.
Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là sự phát triển nhanh về khoa học, công nghệ, các DN gánh thêm sức ép rất lớn từ sự sàng lọc của thị trường đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ bản thân DN. Bên cạnh đó là những nỗ lực lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ DN và nhìn thẳng vào sự thật của Chính phủ; những cố gắng bỏ giấy phép con của các bộ.
Hỗ trợ và phát triển DN tiếp tục là một trọng tâm điều hành của Chính phủ trong năm 2020. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP được ban hành ngay đầu năm mới, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển mạnh mẽ DN cả về số lượng và quy mô, chất lượng; đẩy mạnh tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo.
Nói đúng hơn, tất cả các cơ quan phải vào cuộc đồng hành cùng DN. Hy vọng, năm 2020, các cơ quan chức năng sẽ tập trung tạo điều kiện tốt để đón nhận sự trưởng thành của các DN nhỏ và siêu nhỏ.