Những điểm nghẽn về chính sách
Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Đáng chú ý, trong gần 1 triệu doanh nghiệp chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001%. Trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam phân tích: khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt đang gặp phải khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu là việc đáp ứng những yêu cầu khắt khe, yêu cầu cao về phương diện kỹ thuật, quản trị và thời gian giao hàng của doanh nghiệp đầu chuỗi. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải thiết lập hệ thống công nghệ đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, quản trị doanh nghiệp, lao động, điều kiện về vệ sinh an toàn lao động. Những yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
Một điểm nghẽn nữa là yêu cầu về sản xuất xanh từ thị trường quốc tế ngày càng cao, buộc các quốc gia khác khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu phải đẩy nhanh quá trình xanh hoá sản xuất. Để đáp ứng những yêu cầu trên, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều, trong khi đầu tư đòi hỏi nguồn vốn rất lớn và phải liên tục đáp ứng yêu cầu của đầu chuỗi.
Theo TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương), thách thức lớn nhất khi tham gia chuỗi là nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông. Ngoài ra, thách thức trong kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, yêu cầu của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp địa phương là tính ổn định và chất lượng cao, do đó doanh nghiệp trong nước muốn tham gia và kết nối vào chuỗi cung ứng cần đầu tư vào con người, công nghệ.
Chỉ ra những hạn chế về chính sách hỗ trợ, TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nhiều chính sách thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Đó là chưa kể chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành; trong khi nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng hạn chế.
Đổi mới cách thức hỗ trợ doanh nghiệp
Để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo TS Nguyễn Duy Bình, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cần phải được cải cách, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa để tạo thuận lợi hoá thương mại, từ đó việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu mới dễ dàng hơn.
Cần có các giải pháp tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới; tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi và tuyên truyền, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ và cấp C/O, tự chứng nhận xuất xứ… Cùng với đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Cụ thể là hỗ trợ về trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm khảo thí… nhằm đáp ứng yêu cầu về ISO, tiêu chuẩn chất lượng. Thực tế, hiện nay những hệ sinh thái vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ cho các doanh nghiệp, đặc biệt những ngành có nhu cầu về vốn lớn như năng lượng tái tạo, giao thông xanh.
Giải pháp này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại và bắt đầu có sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực nội tại, phải vươn ra thị trường quốc tế và cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài theo đúng nguyên tắc thị trường.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu các điều kiện về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật.
Chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, tương lai của thế giới và cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ sắp tới như: công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng xanh, y tế, chăm sóc sức khoẻ….
Khuyến cáo doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình là Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này. Như vậy, xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố quyết định thành công của đơn hàng khi xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp bắt buộc chuyển đổi xanh để đảm bảo sản phẩm, dịch vụ cuối cùng phù hợp với nhu cầu thị trường.