Trong khuôn khổ hội nghị, 50 doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực nông sản thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, dệt may, hàng gia dụng… đã được phổ biến, hướng dẫn, tư vấn cách thức kinh doanh, truy xuất nguồn gốc, phân phối hàng hóa hiệu quả trên sàn thương mại điện tử… tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính và chuyển đổi số. Bên cạnh việc hướng dẫn cách thức đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử tiêu thụ, tại hội nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đã kết nối với sàn thương mại điện tử Sendo, Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), Ngân hàng VP Bank tiêu thụ sản phẩm.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết: Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” được thiết kế theo mô hình phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, thông qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki. Hoạt động này mở ra một kênh phân phối hàng hóa mới, hiện đại, được quản lý chặt chẽ cho các nhà sản xuất hàng Việt, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, hình ảnh doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
“Gian hàng Việt trực tuyến sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp sản xuất Việt kết nối thị trường trong nước, từ đó phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân cũng như thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”- ông Đặng Hoàng Hải chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ: Sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ được chuyển tới tận tay người tiêu dùng, thông qua hệ thống chuyển phát thương mại điện tử nhanh chóng, chi phí thấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến” còn được truyền thông quảng bá, được hưởng các chính sách ưu đãi từ sàn thương mại điện tử.
Tại hội nghị, 20 doanh nghiệp sản xuất đã ký kết thỏa thuận triển khai phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Tiki thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”.