Hỗ trợ gia đình nạn nhân bị tai nạn sập giàn giáo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc thăm hỏi, chia buồn, TP hỗ trợ gia đình 2 nạn nhân bị tử vong 5 triệu đồng/người, 4 nạn nhân bị thương 1 triệu đồng/người. UBND quận Hoàng Mai hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân bị chết 3 triệu đồng, bị thương 1,5 triệu đồng.

Thông tin trên vừa được ông Bạch Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết chiều nay 13/10. Theo ông Bạch Quốc Việt, sáng nay 13/10, ngay khi nhận được thông tin về vụ tai nạn lao động, Sở LĐTB&XH TP đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cụ thể là Thanh tra xuống ngay hiện trường để phối hợp với các cơ quan điều tra vụ việc.
 Nơi xảy ra vụ sập 

Theo nhận định điều tra ban đầu cho thấy: vào lúc 4 giờ 45 phút ngày 13/10 tại công trình dự án án Tòa nhà hỗn hợp, thương mại, văn phòng, công cộng và nhà ở cao tầng ECO -GREEN TOWER, tại địa chỉ số 1 ngõ Giáp Nhị, Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai đã xảy ra một vụ tai nạn lao động. Đơn vị để xảy ra tai nạn là Xí nghiệp Xây dựng số 2 thuộc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị - UDIC có địa chỉ tại 27 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội.

Nguyên nhân của vụ tai nạn lao động là hồi 22 giờ ngày 12/10/2016, tổ bê tông gồm 17 người do ông Phạm Văn Mão làm tổ trưởng thực hiện đổ bê tông sàn tầng 7 của công trình. Đến 4 giờ 45 phút ngày 13/10, khi tổ công nhân đang đổ bê tông sàn khu vực thang nâng thì xảy ra sự cố đổ sập giàn giáo (dùng để đỡ cốt pha sàn tầng 7) làm 2 công nhân bị chết. Cụ thể là: bà Nguyễn Thị Cần, sinh năm 1991, quê quán tổ 15 Lê Hồng Phong, Kim Bản, Hà Nam và ông Lê Văn Quý, sinh năm 1964, quê quán ở Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Nguyên nhân là do bị ngã từ sàn tầng 7 xuống tầng 1 dẫn đến tử vong. Ngoài ra có 4 người khác bị thương nhẹ xây xát chân tay, không phải nằm viện.

Theo ông Việt, đây là vụ tại nạn lao động nghiêm trọng nên sẽ điều tra theo trình tự về thực hiện các quy định trong an toàn lao động. Và, theo quy định của pháp luật, những vụ tai nạn lao động không phức tạp thì sau 30 ngày sẽ có kết luận, nhưng nếu cần trưng cầu giám định cần thời gian dài hơn. "Trong quá trình điều tra, công an và thanh tra của Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ thực hiện theo chuyên ngành. Ví dụ, Sở LĐTB&XH căn cứ vào các quy trình quy phạm cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công sẽ có kết luận chính thức những người phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn lao động"- ông Việt cho biết.

Ngay trong chiều nay, theo chỉ đạo của TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh lao động của TP và UBND quận Hoàng Mai đã trực tiếp xuống chia buồn, thăm hỏi cũng như có phần kinh phí hỗ trợ cho 2 gia đình nạn nhân bị tai nạn dẫn đến tử vong. Theo đó, TP hỗ trợ gia đình 2 nạn nhân bị tử vong mức 5 triệu đồng/1 người, 4 nạn nhân bị thương nhẹ mức 1 triệu đồng/1 người. UBND quận Hoàng Mai hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân bị chết 3 triệu đồng, bị thương 1,5 triệu đồng.
Trả lời phóng viên về việc hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động xảy ra đối với các công trường đang thi công trong TP, ông Bạch Quốc Việt nói: Lãnh đạo TP và Sở LĐTB&XH Hà Nội, các cơ quan chức năng rất quan tâm tới lĩnh vực sản xuất có nhiều nguy cơ mất an toàn cao như ngành xây dựng. Do đó hàng năm, Sở LĐTB&XH Hà Nội xây dựng lịch và kế hoạch tổ chức thanh tra và kiểm tra những công trình xây dựng cao tầng có kết cấu phức tạp trên địa bàn TP.

Qua thanh tra, kiểm tra chúng tôi đã xử lý rất nhiều vi phạm đối với các công trình xây dựng. Cụ thể, vi phạm về máy thiết bị phục vụ cho công tác thi công, sử dụng nhân lực (khám sức khỏe đầu vào, huấn luyện an toàn lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân), đặc biệt quan tâm đến biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đối với từng công trình.