Lãi suất lên đến… 117%/năm
Tại Trung tâm điện máy Thiên Hòa (đường Trường Chinh, quận 12, TP Hồ Chí Minh), trong vai người mua hàng, sau khi chọn laptop Sony giá 10,99 triệu đồng, chúng tôi đề nghị được tư vấn mua hàng trả góp. Một nhân viên tên Thúy của Công ty Tài chính PPF tư vấn: Anh phải trả trước 30% giá trị của laptop cho bên bán, số tiền còn lại (70%) PPF sẽ cho vay. Nếu anh trả góp 6 tháng thì anh chỉ trả 1,691 triệu đồng/tháng; trả góp trong 9 tháng là 1,255 triệu đồng/tháng và 12 tháng là 1,047 triệu đồng/tháng, đồng thời không quên nhắc nhở chúng tôi phải trả đúng hẹn, nếu không sẽ bị phạt.
Bảng niêm yết giá sản phẩm ở Thế giới di động trên đường Trường Chinh, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trường Bá
|
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người vay còn phải trả thêm phí ngân hàng 13.000 đồng/tháng, phí bảo hiểm cho khoản vay 225.000 đồng. Ngoài ra, trong trường hợp người vay muốn trả trước hạn cũng phải thanh toán phần lãi cho công ty. Chẳng hạn, khách hàng muốn thanh lý hợp đồng trước hạn thì phải đóng 50% phần lãi của những tháng còn lại hoặc tính số nợ còn lại nhân với 15% tùy thời gian thanh lý trước hạn thời gian nhiều hay ít... Trong suốt cuộc trao đổi, nhân viên tư vấn tên Thúy của PPF luôn tránh không đưa ra mức lãi suất cho vay mà chỉ nói số tiền phải góp từng tháng. Trao đổi với phóng viên, chị Ngọc Thảo (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho biết, hiện có 2 cách tính lãi, theo dư nợ ban đầu hoặc theo dư nợ giảm dần. Tùy theo cách tính, số tiền trả sẽ khác nhau. Với số tiền lãi mà người vay phải trả cho PPF như trên, áp dụng theo cách tính lãi theo dư nợ giảm dần mà các ngân hàng đang áp dụng thì lãi suất mà PPF đang áp dụng lên đến trên 117%/năm. Theo phân tích của chị Ngọc Thảo phân tích: "Với số tiền vay của PPF là 7,693 triệu đồng, trả góp trong 12 tháng, mỗi tháng phải trả 1,047 triệu đồng, trong đó số tiền gốc đã trả là 641.000 đồng và tiền lãi là 406.000 đồng. Nếu tính số dư nợ tiền vay giảm dần từng tháng là 641.000 đồng, ta có: Tháng 1 (kỳ đầu trả lãi) dư nợ tiền vay là 7,693 triệu đồng; tháng thứ 2 số dư nợ sẽ là 7,693 triệu đồng - 641.000 đồng = 7,052 triệu đồng; tháng thứ 3 số dư nợ còn 6,411 triệu đồng; tháng thứ 4 số dư nợ chỉ còn 5,770 triệu đồng… và đến tháng thứ 12 thì số dư nợ chỉ còn lại là 642.000 đồng. Trong khi đó, mỗi tháng người vay vẫn đều đặn phải trả 406.000 đồng tiền lãi mặc cho số dư nợ tiền vay đã giảm dần từng tháng, trung bình chung số dư nợ của từng tháng sẽ là 4,167 triệu đồng (lấy tổng số dư nợ trong 12 tháng là 50,010 triệu đồng chia cho 12 tháng). Như vậy, người vay sẽ phải trả 406.000 đồng tiền lãi/tháng cho khoản vay 4,167 triệu đồng, tức lãi suất hàng tháng người vay phải trả là 9,8%/tháng và khoảng 117%/năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu như tất cả các trung tâm điện máy như Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang… hay các cửa hàng Thế giới di động ở TP Hồ Chí Minh đều có nhân viên của các công ty tài chính trực sẵn để tư vấn, giới thiệu cho khách hàng vay tiền trả góp để mua hàng dưới hình thức kể trên.
Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc
TS Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị Ngân hàng - Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Đặc trưng của thị trường bán lẻ là thị trường ngách, kênh phân phối cũng dạng ngách (có thể cho vay ngoài vỉa hè) và sản phẩm dịch vụ phải liên kết nên ngân hàng cũng không dễ triển khai. Song, nếu không sớm phát triển kênh này, các ngân hàng sẽ mất thị phần bán lẻ vào tay các công ty tài chính. Quan trọng hơn, sự tham gia của các ngân hàng vào thị trường này mới tạo ra lãi suất cạnh tranh cho người tiêu dùng.
Trong chiến lược phát triển, các ngân hàng đều chọn con đường trở thành ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng đối với lĩnh vực tiêu dùng hiện nay chỉ mới tập trung vào sửa nhà, mua ô tô, xe máy... Những khoản vay thấp dù chỉ 50 - 100 triệu đồng cũng cần có tài sản thế chấp. Vì vậy, thị trường tín dụng đối với những khoản vay nhỏ gần như vắng bóng ngân hàng, trong khi các công ty tài chính đang tận dụng tối đa khoảng trống này. Vì thế, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhận định, Ngân hàng Nhà nước cần có sự quản lý đối với công ty tài chính để không xảy ra rủi ro và hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng khi phải đi vay với lãi suất "cắt cổ".