Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ hình thành liên kết chuỗi giá trị nông sản

Thiện Quang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) T.Ư khẳng định, để giúp nông dân có thu nhập ổn định và bền vững, cần có chính sách hỗ trợ hình thành các liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

 
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn vừa qua?
- Trên kết quả triển khai chương trình NTM giai đoạn 1 (2010 - 2015), chúng ta thấy được rằng sang giai đoạn 2 (2016 - 2020) sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, trên thực tế quy hoạch sản xuất, đặc biệt là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa vẫn chưa đạt chất lượng và chưa gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thách thức lớn là năm 2016, lần đầu tiên, ngành nông nghiệp phải đối mặt với tăng trưởng âm. Rõ ràng, làm thế nào để hỗ trợ cho người dân tăng thu nhập một cách bền vững là thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng.
Mục đích cuối cùng của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà muốn làm được điều này, việc phát triển sản xuất có vai trò rất quan trọng. Vậy, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong giai đoạn tới?
- Có thể nói, tổ chức sản xuất là vấn đề quyết định đối với việc hình thành các chuỗi sản xuất bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Văn phòng Điều phối NTM T.Ư cũng xác định, hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân thông qua hỗ trợ sản xuất là một trong những nội dung khó nhất của chương trình. Đây là nội dung trọng tâm nhưng trong 5 năm qua, kết quả thực hiện chưa đạt như mong muốn. Thu nhập của người dân dù đã tăng đáng kể so với khi bắt đầu triển khai chương trình nhưng chưa bền vững. Bởi vậy, chúng tôi cũng đã dự kiến sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo T.Ư và Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh trong việc hỗ trợ.
Cụ thể, trước đây, trong chương trình NTM có rất nhiều mô hình sản xuất nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo được sự gắn kết và thiếu bền vững. Bởi vậy, định hướng của chương trình NTM giai đoạn tới sẽ tập trung hỗ trợ cho người dân sản xuất theo chuỗi liên kết đối với các nông sản chủ lực theo quy hoạch sản xuất hàng hóa đã xây dựng, trong đó nhấn mạnh vai trò của HTX, các DN. Như vậy, đối với sản xuất trong giai đoạn tới, chúng ta hỗ trợ phải gắn với tái cơ cấu nông nghiệp của từng vùng, từng tỉnh, từng huyện, hình thành được chuỗi sản xuất giá trị đối với từng sản phẩm chủ lực.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ có điểm gì đột phá, thưa ông?
- Việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng là một nội dung rất quan trọng để hỗ trợ cho người dân sản xuất hàng hóa có giá trị cao, chứ chúng ta không thể tiếp tục phụ thuộc vào việc mở rộng diện tích hay tăng sản lượng như giai đoạn trước đây. Sản xuất trong giai đoạn tới phải hướng đến tăng giá trị trên từng sản phẩm, cũng như tăng giá trị trên từng diện tích đất canh tác. Vừa qua, chúng ta cũng có một chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Kế thừa kết quả đó, Văn phòng Điều phối NTM T.Ư đã xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM. Chúng tôi hy vọng rằng, những đề tài, nội dung nghiên cứu khoa học sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi sản xuất giá trị cao. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Xin cảm ơn ông!