Hỗ trợ khắc phục sau thiên tai còn chậm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10, 11/2016.

Đánh giá về công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng: Việc hỗ trợ cây giống cho bà con phục hồi sản xuất được tiến hành rất chậm. Không chỉ vậy, nhiều chủng loại cây giống chưa phù hợp với kế hoạch sản xuất của bà con dẫn tới lãng phí, không phát huy được hiệu quả. Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng, bên cạnh việc cấp hỗ trợ nguồn giống chưa phù hợp, các thủ tục triển khai hỗ trợ cho bà con còn khá phức tạp, rườm rà. Hiện, bà con một số địa phương vùng “rốn lũ” của Hà Tĩnh thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang đang rất cần nguồn giống, phân bón, nhưng chờ mãi… chưa thấy đâu!
Trước những bất cập trong công tác hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, trước mắt, các địa phương cần chủ động bố trí đủ cơ cấu và số lượng giống phục vụ bà con gieo trồng bảo đảm khung thời vụ. Đồng thời, căn cứ vướng mắc thực tế trong quá trình thực hiện, xây dựng báo cáo đề xuất điều chỉnh, có thể là hỗ trợ bằng kinh phí sau quá trình triển khai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 2/12
Tại hội nghị, một số bất cập liên quan tới quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi cũng đã được các bộ ngành, các địa phương nêu. Thực tế, việc xả lũ 2 hồ chứa Hố Hô (Hà Tĩnh) và An Khê - Ka Nak (Gia Lai) vừa qua đã ảnh hưởng gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng hạ du, khiến người dân rất bức xúc.
Liên quan tới công tác vận hành xả lũ các hồ chứa, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Tất cả các hồ chứa đơn vị quản lý đều đã có quy trình vận hành. Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai vừa qua có nhiều thiếu sót. Theo đại diện Bộ Công Thương, sự việc xả lũ trong đợt mưa lũ vừa qua đã cho thấy sự phối hợp hết sức lỏng lẻo, thiếu thống nhất trong công tác vận hành hồ chứa giữa đơn vị quản lý và chính quyền các địa phương. Đây là vấn đề cần được khắc phục trong thời gian tới…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ ngành, các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua. Một số hạn chế cũng đã được Phó Thủ tướng thẳng thắn nêu ra như: Chính quyền và người dân địa phương có lúc còn bị động, chủ quan trong ứng phó mưa lũ; Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; Quản lý vận hành, điều tiết lũ các hồ chứa còn nhiều bất cập. Đặc biệt, việc hỗ trợ người dân sau mưa lũ tiến hành rất chậm. “Thủ tục hỗ trợ còn rườm rà. Ai cũng biết vậy, nhưng khi triển khai thì vẫn chậm…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ ngành cần nghiên cứu điều chỉnh hướng tiếp cận hỗ trợ nhanh gọn và hiệu quả hơn. Về nhiệm vụ lâu dài, các bộ, ngành cần đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa để làm cơ sở rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai. Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, bởi người dân luôn được xem là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong giảm nhẹ hậu quả thiên tai.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước nhìn chung còn khó khăn, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần chủ động cân đối nguồn lực, tăng cường ưu tiên đầu tư nhằm xây dựng, củng cố hạ tầng, từng bước nâng cao năng lực phòng chống thiên tai…
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, 2 đợt mưa lớn xảy ra trong tháng 10 và 11/2016 đã khiến ít nhất 65 người bị chết và mất tích. Trên 191.000 nhà dân bị ngập, hư hại và gần 22.200ha cây trồng ảnh hưởng năng suất. Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, kênh mương thủy lợi bị sạt lở… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 7.198 tỷ đồng. Thống kê từ đầu năm 2016 đến nay, thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra đã lên tới trên 24.000 tỷ đồng (trong đó, thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở Nam Bộ khoảng 15.000 tỷ đồng).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần