[Hỗ trợ khách hàng - chia sẻ và sống còn của ngân hàng] Bài 1: Ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như thế nào?

TS Phan Văn Thường - Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch covid-19 đã tác động nặng nề chưa từng có đối với toàn bộ kinh nền kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân. Hàng triệu khách hàng của các ngân hàng đang đứng trước nỗi lo sợ bị một “cú đánh bồi” do vỡ nợ ngân hàng.

>>> Bài 2: Thông tư 14 “phao cứu sinh” đừng trở thành bẫy rủi ro

>>> Bài cuối: Lý tình và bàn cân lợi ích rủi ro

Đến nay, đã trải qua 3 - 4 tháng giãn cách xã hội, phong tỏa để chống chọi với dịch bệnh, hàng triệu DN điêu đứng, người dân đã cạn kiệt, thì các ngân hàng dường như vẫn sống khỏe nếu nhìn trên những con số kế toán.

Hoạt động nghiệp vụ tại Techcombank. Ảnh: Việt Dũng
Cơ chế đang cố tình che đậy khó khăn của ngân hàng

Theo cơ chế hạch toán thu nhập lãi, ngân hàng được phép ghi nhận tiền lãi theo dự kiến ghi trên hợp đồng tín dụng đối với nợ nhóm 1 và nợ nhóm 2. Theo đó, đầu kỳ thu lãi, nhân viên tiến hành hạch toán ghi nhận tiền lãi chứ không căn cứ tiền lãi khách hàng sẽ thực trả bao nhiêu. Hàng quý ngân hàng xác định lợi nhuận dựa trên kết quả thu nhập dự thu này. Chỉ đến cuối năm, ngân hàng mới xác định thực thu lãi, mà thực tế tổng dự thu lãi bao giờ cũng cao hơn tổng thu lãi thực. Cho nên mới có câu chuyện khách hàng có “chết” thì ngân hàng vẫn sống khỏe là chỗ đó.

Cơ chế cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, rồi Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi và từ ngày 7/9 đến nay là Thông tư 14/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, mục đích hỗ trợ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đó cũng là cơ hội để ngân hàng hoãn binh khó khăn trước mắt. Chính sách cơ cấu nợ giúp khách hàng kéo dài thời gian trả nợ khi đã cạn kiệt nguồn tài chính, dòng tiền kinh doanh, tạo điều kiện để họ phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo dòng tiền mới để trả nợ. Nhưng cơ cấu lại nợ trong điều kiện chưa kiểm soát được dịch bệnh về bản chất là đảo nợ kín, nguy cơ rủi ro cho ngân hàng là rất lớn.

Sau khi cơ cấu lại nợ, nhiều khách hàng vượt qua khó khăn phục hồi SXKD sẽ hoàn trả được nợ nhưng cũng có những khách hàng tiếp tục khó khăn, không xoay xở được tiền trả nợ dồn gốc và lãi rất nặng. Khách hàng không trả được nợ buộc ngân hàng phải chuyển nhóm nợ xấu. Đặc biệt, việc nhảy cóc nhóm nợ ngay sau khi hết thời hạn cơ cấu nợ rất đáng ngại. Không những tổng nợ xấu tăng mà nguy hiểm nợ xấu nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 sẽ tăng mạnh. Khi đó, ngân hàng phải lập chi phí dự phòng cụ thể cho nợ xấu rất lớn và đương nhiên lợi nhuận ngân hàng cứ thế mà giảm, không có cách nào khác.

Cơ cấu lại nợ là tình thế bắt buộc để cứu khách hàng. Nhưng đối với ngân hàng nó là “con dao hai lưỡi”. Cứu được khách hàng tức ngân hàng đã cứu được mình vì quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ cộng sinh. Nhưng ngân hàng có thể “hốt” rủi ro khi liều thuốc cơ cấu nợ cho khách hàng không đủ sức để khách hàng hồi phục. Bởi vì để hồi phục SXKD, làm ăn lúc này đòi hỏi DN hay người dân phải có một gói hỗ trợ đủ lớn bao gồm nhiều thứ khác chứ không phải đơn độc chính sách hỗ trợ tín dụng.

Trong quý III này, khi phần lớn DN tê liệt, kiệt quệ nhưng 100% các ngân hàng vẫn yên tâm. Đương nhiên thực tế thu nhập lãi của các ngân hàng bị sụt giảm nhiều do thực hiện chính sách giảm lãi suất cho khách hàng và sụt giảm do tăng trưởng tín dụng rất thấp. Trong khi thu nhập từ lĩnh vực hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng bị sụt giảm mức độ nhất định. Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý III/2021 sẽ giảm nhưng rõ ràng chưa đến mức báo động vì các ngân hàng đang tạm thời chưa phải tăng trích lập dự phòng cụ thể cho nhiều khoản nợ xấu sắp tới.

Ngân hàng báo lãi cao có phản cảm?

Một số đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề trong khi DN đang gồng hết mình chống đỡ dịch bệnh Covid-19 thì việc ngân hàng liên tục báo lãi lớn, có vấn đề và phản cảm không? Một đại biểu Quốc hội khác phản biện lại cho rằng, nói phản cảm chỉ là cách nói cảm tính vì ngân hàng cũng là DN hoạt động kinh doanh theo luật pháp. Phản cảm hay không phản cảm, không bình luận thêm tại đây. Nhưng DN nói riêng và khách hàng nói chung là chủ thể tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.

Lợi nhuận ngân hàng từ năm 2019 đến nay lớn một cách khủng đã làm cho DN, khách hàng nói chung và cả xã hội xuất hiện cái nhìn về ngân hàng khác đi cũng lẽ thường tình. DN thấy báo cáo lợi nhuận ngân hàng tăng không chỉ vài ba chục phần trăm mà đến hàng trăm phần trăm và cho rằng ngân hàng đang “hút máu" DN. DN không có quyền “tỵ” ngân hàng nhưng rõ ràng có quyền đòi hỏi ngân hàng giảm mạnh hơn nữa mức lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng và tạo điều kiện tối đa cho DN vực dậy SXKD.

Giờ đây, không thể dựa theo học thuyết của Marx cho rằng lợi tức “Tư bản cho vay” phải nhỏ hơn lợi tức bình quân của nền kinh tế nữa. Nhưng chỉ biết đó là sự bất cập thái quá mà thôi.

Có một điều sòng phẳng, ngân hàng có lợi nhuận cao phải đóng góp nghĩa vụ thuế cao tương ứng theo luật pháp. Điều này thực tế đã chứng minh, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Tổng cục Thuế ước tính (vì còn điều chỉnh sai số) đạt 68% dự toán cả năm, bằng 114,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó ghi nhận tăng thu nhờ đóng góp rất lớn của 3 lĩnh vực là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Đến đây, phát biểu của một đại biểu Quốc hội đã nói trên dường như ý tứ có sự phù hợp.

(Còn nữa)
Công bố báo cáo tài chính quý II/2021 của 28 ngân hàng cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020. Không ít ngân hàng con số tăng trưởng lợi nhuận trước thuế nhìn vào cứ như không tưởng như: Nam Á Bank 434,5%; MSB 220%; SeABank 132%; LienVietPostBank 102%; BIDV 86,3%; Techcombank 71,23%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần