[Hỗ trợ khách hàng – chia sẻ và sống còn của ngân hàng] Bài 2: Thông tư 14 “phao cứu sinh” đừng trở thành bẫy rủi ro

TS Phan Văn Thường (Đại học Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 14/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 7/9/2021 đang được DN, người vay vốn đón chờ như “phao cứu sinh” phục hồi nền kinh tế trước khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư này hiệu quả ra sao còn phải chờ kiểm chứng trong thực tế. Nhưng một điều đã phát lộ, không ít ràng buộc nội tại tạo các bẫy rủi ro mới cho cả ngân hàng và khách hàng.
“Phao cứu sinh” của khách hàng vay vốn

Thực ra Thông tư 14 chỉ là sửa đổi, bổ sung 2 Thông tư ban hành trước đó là Thông tư 01(13/3/2020) và Thông tư 03 (2/4/2021) sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Điều được DN, người vay vốn phấn khởi đón chờ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại nợ đến 30/6/2022 và các khoản nợ được cơ cấu lại phát sinh đến trước ngày 1/8/2021. Cùng với đó thời gian thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng cũng kéo dài đến ngày 30/6/2022. Việc kéo dài thời gian đó tạo điều kiện cho khách hàng sắp xếp xoay xở, giảm áp lực trả nợ đến hạn.
 Hoạt động giao dịch tại chi nhánh PVComBank. Ảnh: Phạm Hùng
Do phải phong tỏa, giãn cách xã hội liên tục để chống đỡ dịch Covid-19 từ đầu tháng 6/2021 đến nay tại hàng loạt tỉnh, thành trong cả nước nên mọi hoat động sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị đóng băng, ngưng trệ. Nguồn lực tài chính đa số DN và người dân đã cạn kiệt. Nợ nần hàng tháng đến hạn phải trả đang trở thành áp lực và nỗi lo sợ của khách hàng vay vốn ngân hàng. Nếu để vỡ nợ ngân hàng là đòn đánh bồi, khách hàng vay vốn sẽ sụp đổ. Lúc này được giãn nợ ngày nào đỡ ngày đó, giảm lãi được đồng nào quý đồng đó.

Tuy nhiên, Thông tư 14 cũng là những quy định mang tính khung chính sách, có tính thời đoạn lịch sử, sẽ chưa hỗ trợ bao quát hết mọi khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thiệt hại do chống dịch bệnh của DN, người dân là rất lớn nhưng mức chính sách hỗ trợ của ngân hàng là giới hạn. Khung pháp lý của Thông tư 14 đã không quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối thiểu là mấy tháng, mức giảm lãi tối thiểu bao nhiêu phần trăm (%). Cho nên nói là “phao cứu sinh” nhưng cứu được khách hàng hay không lại phụ thuộc vào thiện chí từng ngân hàng và nhiều hỗ trợ khác.

Cảnh báo tạo bẫy rủi ro

Nhảy cóc nhóm nợ vừa tạo gánh nặng trích lập dự phòng cụ thể cho ngân hàng vừa gây khó cho khách hàng. Theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN thì nợ nhóm 4 bao gồm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu. Nghĩa là khoản nợ hết thời hạn cơ cấu lại nợ lần đầu nhưng khách hàng chậm trả nợ chỉ 1 ngày thôi đã bị nhảy cóc sang nợ nhóm 4. Đây là bẩy hết sức nguy hiểm. Hoặc khó khăn chưa trả được nợ khách hàng xin cơ cấu lại nợ lần 2, thì nợ cơ cấu lại lần 2 là nợ nhóm 4, cũng theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoàn toàn khác với khoanh nợ. Khoản nợ khi đã được khoanh nợ, thì người vay không những không phải trả nợ gốc mà cũng không phát sinh thêm một đồng nào tiền lãi nữa. Khi đó khách hàng vẫn đáp ứng điều kiện để xin cấp khoản vay mới nhưng cơ cấu lại thời hạn nợ thì không. Người vay chỉ được dồn nợ gốc và lãi trong thời gian cơ cấu chuyển vào nợ gốc và lãi phải trả trong các kỳ hạn tiếp theo, sau kết thúc cơ cấu để trả nợ gộp. Trả nợ gộp sẽ là nguy cơ gây rủi ro cho nhiều khách hàng. Do dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát và kiểm soát hoàn toàn nên DN và người dân còn tiếp tục khó khăn.

Việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi ghi trên hợp đồng tín dụng lúc này đã là gánh nặng rồi huống chi phải gồng thêm gánh nợ gốc, lãi “truy lãnh” từ nợ cơ cấu lại nợ. Cơ cấu lại nợ giúp giữ đẹp hồ sơ tín dụng, nhưng cơ cấu lại nợ để rồi chuyển sang nợ nhóm 4 thì khách hàng còn đâu điều kiện tiếp cận các khoản vay mới để đầu tư phục hồi SXKD?

Một số điểm chưa thật hợp lý cần tiếp tục bổ sung

Thông tư 14 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện đến ngày 30/6/2022, nhưng chỉ cho phép xử lý cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021. Đây là điểm chưa hợp lý lắm. Bởi vì các khoản nợ phát sinh từ ngày 01/8/2021 về sau nếu đến hạn trước ngày 01/7/2022 vô hình chung đã bị loại trừ. Chẳng hạn, một khoản vay ngắn hạn 6 tháng phát sinh tháng 8/2021 sẽ đến hạn tháng 2/2022, khi đó khách hàng đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ không được hưởng chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư này.

Thông tư 14 quy định việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 30/6/2022, nhưng chỉ cho phép miễn, giảm lãi, phí đối với khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021. Như vậy các khoản nợ phát sinh từ ngày 01/8/2021 trở về sau sẽ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm lãi, phí. Đây là điểm cũng chưa được hợp lý của Thông tư này. Việc cắt thời điểm hỗ trợ này cho thấy NHNN chưa có bài tính giảm lãi giúp khách hàng phục hồi SXKD. Đây là điều chưa hợp lý. Bởi ngân hàng không tiếp tục bơm thêm “sữa” thì khách hàng làm sao khỏe để trả nợ ngân hàng.

Trong hoàn cảnh khó khăn của DN, người dân hiện nay buộc NHNN phải ban hành Thông tư 14 để ứng phó kịp thời. Rõ ràng nếu không ban hành Thông tư này thì nguy cơ tạo “cục máu đông” nợ xấu khủng khiếp cho hệ thống ngân hàng là đã nhìn thấy. Tuy nhiên, Thông tư 14 liều lượng chính sách vẫn hạn chế, quy định thực hiện chính sách vẫn chưa áp đặt được trách nhiệm. Chẳng hạn, việc quy định thời gian cơ cấu lại nợ không quá 12 tháng sẽ tạo nguy cơ bẫy rủi ro như nói trên. Rồi Thông tư không có quy định mức giảm lãi tối thiểu cho khách hàng là bao nhiêu, nên không ràng buộc được trách nhiệm của các ngân hàng.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần