Theo ông Lê Ngọc Thạch - Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, gốm sứ là sản phẩm thời trang, do đó mẫu mã thay đổi liên tục, theo mùa, là yêu cầu sống còn với DN. Mỗi năm, xu hướng kiểu dáng, màu sắc, họa tiết trang trí khác nhau, nên DN không thể lấy những mẫu cũ để sản xuất. Hơn nữa, thị hiếu của mỗi thị trường khác nhau, do đó DN khi chú trọng vào thị trường nào thì phải nghiên cứu kỹ thị hiếu của khách hàng ở đó.
|
Nghệ nhân vẽ họa tiết trên sản phẩm sứ Bát Tràng. Ảnh: Thanh Hải |
“Như Quang Vinh hiện 95% sản phẩm được XK tới khoảng 20 thị trường khó tính, thì chúng tôi phải nghiên cứu “gu” của từng thị trường đó. Mỗi thị trường lại phải thay đổi mẫu mã thường xuyên, nên yêu cầu về thiết kế mẫu mã vô cùng quan trọng” - ông Thạch cho biết.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào khâu thiết kế mẫu mã không phải dễ dàng đối với các DN, cơ sở sản xuất TCMN. Bà Vũ Thị Cẩm Tú - Giám đốc Công ty TNHH An Đô (Bát Tràng, Gia Lâm) cho biết, khó khăn lớn nhất là kinh phí và nhân lực. Nhưng ngay cả khi đã đầu tư vào khâu thiết kế, DN cũng vẫn gặp khó khi nhanh chóng bị copy. “Như DN chúng tôi cũng đã thuê đội ngũ thiết kế rất đắt tiền, nhưng chỉ một thời gian ngắn đi hội chợ thôi là đã bị copy. Dần dần khiến DN nản lòng, mai một đi nhiệt huyết thiết kế mẫu của mình” - bà Tú nói.
Trước những khó khăn của DN, liên tục những năm gần đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực hỗ trợ DN nâng cao nhận thức và năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm. Theo đó, cùng với việc tổ chức thường niên cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN nhằm khơi dậy, tạo động lực sáng tạo cho nghệ nhân, cơ sở sản xuất, Sở Công Thương cũng trực tiếp hỗ trợ DN tạo ra các mẫu mã mới phục vụ XK.
Ông Thạch cho biết, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, liên tục những năm gần đây, Công ty Gốm sứ Quang Vinh đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của DN sáng tạo, các chuyên gia sẽ tư vấn chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.
Còn theo bà Tú, chương trình hỗ trợ thiết kế mẫu mã của Sở Công Thương đã giúp DN giảm được chi phí đầu tư thiết kế mẫu mã rất nhiều. Các sản phẩm được hỗ trợ thiết kế đều đem lại giá trị XK cao.
Theo ông Hoàng Xuân Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, nhằm tiếp tục hỗ trợ các làng nghề, trong năm 2017, Trung tâm sẽ tiếp tục 16 đơn vị, mỗi đơn vị được hỗ trợ để thiết kế 1 bộ sản phẩm TCMN (2 - 5 sản phẩm). DN sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí thiết kế bộ sản phẩm từ nguồn kinh phí khuyến công TP. Qua các chương trình hỗ trợ này đã giúp các DN, cơ sở sản xuất có những mẫu mã sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Vì mặt hàng TCMN, nếu không có mẫu mã mới thì DN không thể XK được. Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội TCMN Hà Nội |