Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ năng lực doanh nghiệp qua các chỉ tiêu tài chính

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm tiếp tục hỗ trợ lãnh đạo các DN hiểu được các chỉ số tài chính để đánh giá năng lực của chính DN mình, ngày 10/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với Công ty CP Misa tổ chức hội thảo trực tuyến “Hiểu chỉ số tài chính, khám sức khỏe doanh nghiệp trong thời kỳ Covid-19” lần thứ 2.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh thông tin, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa (số DN này chiếm 98,2%). Về mặt thị trường theo từng lĩnh vực có sự phục hồi chậm, hoặc không phục hồi.
Đối với các công ty thực phẩm, logistics vẫn có thể phát triển, các DN thuộc lĩnh vực khác đều bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều DN gặp vô vàn khó khăn khi tổng cầu giảm mạnh từ 40 - 90%, ví dụ như ngành hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống…
Cùng với đó, việc chuỗi cung ứng đình trệ dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí logistics tăng, chi phí cho việc xét nghiệm… khiến chi phí đầu tư sản xuất tăng cao cũng khiến cho các DN khó trụ vững.
Các diễn giả chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua anh hưởng của Covid-19.
Với vai trò cầu nối, Hanoisme đã tổng hợp, phản ánh khó khăn của DN tới Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, TP thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các DN bằng các giải pháp cụ thể như: Giảm thuế đất hàng năm phải nộp của năm 2021, để bù đắp cho DN những tháng phải ngừng sản xuất, kinh doanh của năm 2020 - 2021; Hỗ trợ cho DN trong công tác xúc tiến thương mại; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021; Mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp…
Ông Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, TP Hà Nội, việc các DN phải chủ động thay đổi cách quản lý, cắt giảm chi phí sản xuất… là điều vô cùng quan trọng để DN có thể vượt qua đại dịch. Muốn làm được điều đó, DN phải triển khai nhiều biện pháp như xác định lại tình hình tài chính của DN, áp dụng CNTT để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động…
Ông Đoàn Hữu Cảnh - Trưởng ngành Tài chính Ngân hàng (Đại học Phương Đông), Giám đốc Tài chính Công ty CP TGI chia sẻ về 10 chỉ tiêu/tỷ số tài chính quan trọng đánh giá  hoạt động tài chính DN, vượt qua khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay gồm: Chỉ số doanh thu; chỉ số chi phí; Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế; Chỉ số lợi nhuận biên gộp, chỉ số lợi nhuận biên; tỷ suất thu hồi vốn chủ sở hữu (ROE); tỷ số sinh lời cơ sở (BEP); tỷ số thanh toán hiện hành; lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh; vòng quay hàng tồn kho; quản trị vốn lưu động. Đồng thời dành nhiều thời gian để phân tích về chỉ số doanh thu và dòng tiền, bởi đây là hai chỉ số vô cùng quan trọng để giúp DN hiểu được tình hình tài chính của công ty, từ đó đặt ra các phương án, kịch bản, giải pháp, chiến lược để giúp công ty phát triển.
Với kinh nghiệm của DN, Tổng Giám đốc Công ty MISA Đinh Thị Thúy đã giới thiệu phần mềm quản trị kế toán MISA AMIS, giải pháp cung cấp chỉ tiêu/ tỷ số tài chính kịp thời, chính xác, đáp ứng mọi quy mô, lĩnh vực, ngành nghề cho chủ DN.
Cùng với đó, đây là hệ sinh thái kết nối, các nghiệp vụ trong nội bộ DN như hệ thống quản trị nhân sự, bán hàng; kết nối dữ liệu với các đối tác, ứng dụng quản trị bên ngoài (Tổng cục Thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội… và các ứng dụng quản trị khác). Đồng thời, cung cấp nhanh các số liệu tổng quan, giúp các chủ DN nắm bắt được các chỉ tiêu tài chính như số dư tiền, doanh thu, chi phí, công nợ, tồn kho.
Tổng Giám đốc Công ty MISA Đinh Thị Thúy giới thiệu nhiều tính năng nổi trội của phần mềm MISA.
Ngoài ra, còn có thể cung cấp số liệu chi tiết như doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo khoản mục, sản phẩm, giúp DN theo dõi tình hình tăng trưởng giữa các tháng, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách… Bà Đinh Thị Thúy khẳng định, với phần mềm kế toán MISA AMIS sẽ giúp kế toán dễ dàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, chủ DN có thể nắm bắt thông tin kịp thời về sức khỏe DN…
“Trong Cách mạng 4.0, DN nắm bắt được sẽ giảm được rủi ro và có thể quyết định được vận mệnh cho bản thân. Áp dụng CNTT thời đại số là xu hướng tất yếu, MISA sẵn sàng đồng hành cùng với các DN theo từng lĩnh vực để có thể trụ vững, vượt qua gia đoạn khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19” - nữ doanh nhân nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi Hanoisme có thường xuyên hỗ trợ cho các DN hội viên không? Hỗ trợ bằng cách nào? Muốn trở thành doanh nghiệp hội viên của Hanoisme cần làm như thế nào?... Ông Mạc Quốc Anh cho biết, một trong những hoạt động chính của Hiệp hội là hỗ trợ, bổ trợ các DN Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Hiện nay, Hanoisme có gần 4.000 hội viên, thuộc 12 nhóm ngành nghề khác nhau. Mỗi nhóm ngành nghề đều có hoạt động kết nối, hội thảo như ngày hôm nay.
Trong ngành CNTT, các giải pháp về kinh tế số, công nghệ số thì MISA là DN tiêu biểu nhất của Hiệp hội. Đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội phối hợp với MISA tổ chức hội thảo trực tuyến. Trong thời kỳ dịch Covid-19, Hanoisme tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng MISA và các thành viên khác tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm sử dụng nền tảng công nghệ và mới nhằm trao đổi, hướng dẫn DN xác định được thế mạnh, điểm yếu của mình, từ đó tìm ra giải pháp phát triển DN…
Bên cạnh đó, Hanoisme cũng thường xuyên tổ chức kết nối giao thương nội khối, hỗ trợ các giải pháp về tài chính, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lãi suất hợp lý, đẩy mạnh hoạt động giao thương trực tuyến…
Về việc các DN muốn trở thành hội viên của Hanoisme, ông Mạc Quốc Anh cho biết: Hiện nay, Hiệp hội phân loại 3 lớp là hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự. Hội viên chính thức là các DN có trụ sở đặt tại TP Hà Nội, đóng thuế tại Hà Nội. Hội viên liên kết là các hội viên hoạt động và đóng thuế tại tỉnh, thành khác; các hội viên liên kết sẽ không được tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội. Hội viên danh dự là những các chính trị gia, người nổi tiếng được mời vào Hiệp hội.
“Hiệp hội luôn hoan nghênh, chào đón các DN tham gia các hoạt động, cũng như trở thành hội viên. Các DN có thể gửi hồ sơ về trụ sở của Hiệp hội tại tầng 2 - 3, số 119 Lê Duẩn, Hà Nội, hoặc qua website: hanoisme.vn để là trở thành hội viên” - ông Mạc Quốc Anh thông tin.