Hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật thuận lợi hơn.

Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL - Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết, hiện nay người dân ngày càng quan tâm đến việc tiếp cận thông tin, pháp luật để phục vụ nhu cầu của bản thân và xã hội, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc hàng ngày. Một bộ phận người dân đã có kỹ năng tìm kiếm, khai thác, tra cứu, vận dụng, sử dụng pháp luật; mức độ sử dụng công nghệ thông tin của người dân ngày càng được nâng cao.

Hội Luật gia Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức)
Hội Luật gia Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân xã Hùng Tiến (huyện Mỹ Đức)

Đặc biệt, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật trong quá trình tiếp nhận, giải quyết nhiệm vụ và công việc. Tuy nhiên, người dân, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, trong đó có thông tin pháp luật cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình.

Một bộ phậm không nhỏ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhận thức chưa đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin, vẫn còn tâm lý e ngại khi cần yêu cầu cung cấp thông tin. Việc đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị và nâng cao năng lực của các cơ quan, chủ thể cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL chưa được quan tâm…

Vì vậy, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về PBGDPL đang được các bộ, ngành thực hiện, qua đó góp phần hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật.

PGS-TS Hoàng Thị Kim Quế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được đưa ra rất đúng, trúng và kịp thời. Để Đề án hoàn thiện hơn nữa, PGS-TS Hoàng Thị Kim Quế đề nghị cần xây dựng đồng bộ các cơ chế, biện pháp bảo đảm về tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, đổi mới công tác PBGDPL, lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân kết hợp với nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Đồng thời, thực hiện điều tra, khảo sát về nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân tại các địa bàn cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức PBGDPL, cung cấp thông tin pháp luật phù hợp. Các cơ quan nhà nước cần phối hợp tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp điều tra, khảo sát về tình hình thực hiện pháp luật để xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về thực hiện, đáp ứng cung cấp, hỗ trợ thông tin, cơ chế, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; xây dựng nội dung tăng cường năng lực, tính chủ động của người dân trong tiếp cận các thông tin, loại hình dịch vụ pháp lý...

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo T.Ư) Nguyễn Thị Ánh cho rằng, để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, cần nêu cao trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc giáo dục cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; đồng thời chú ý đến các giải pháp hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội...

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, phải làm rõ “bức tranh” về thực trạng, văn hoá pháp lý, thói quen của người dân trong tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật, qua đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng tiếp cận, sử dụng pháp luật cho người dân; rà soát, xác định mục tiêu cụ thể, đảm bảo trong đó có những mục tiêu được định lượng. Ngoài ra, phải tập trung tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho nhóm đặc thù, yếu thế; làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.