Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền mặt
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn các cấp tổng hợp, có báo cáo nhanh về tình hình đời sống việc làm của NLĐ. Thống kê cho thấy, hiện có hơn 482.000 lao động tại hơn 1.200 DN ở 44 tỉnh, thành bị giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, chấm dứt hợp đồng vì DN khó khăn. Việc giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của NLĐ.
Chị Mai - công nhân một DN trên địa bàn Hà Nội (xin được giấu tên DN) cho biết, việc DN bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh giai đoạn qua kéo theo cuộc sống NLĐ cũng đầy khó khăn. Sinh hoạt đảo lộn, thu nhập phải tằn tiện mới đủ hàng ngày. Vì vậy, nhiều công nhân đều có chung mong muốn việc có chính sách hỗ trợ cho NLĐ, DN trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề.
Đã gọi là trợ cấp trong hoàn cảnh không có việc làm hoặc thiếu việc, không chỉ giới hạn với NLĐ ở khu vực chính thức. Nếu hỗ trợ qua DN, số lao động được hỗ trợ không nhiều bởi chỉ có 35% NLĐ ở trong khu vực chính thức còn lao động ngoài khu vực chính thức lên đến 65%. Đây là những người không có bảo hiểm và nhiều người ở ngoài thị trường lao động hiện đang rất khó khăn.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương
Chia sẻ với những khó khăn trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu và đề xuất hỗ trợ một lần cho NLĐ bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm với mức 3 triệu đồng/người; hỗ trợ một lần cho NLĐ thuộc diện tạm chấm dứt hợp đồng với mức khoảng 2 triệu đồng/người. Những NLĐ bị cắt giảm việc làm nhưng có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ.
Liên quan đến đề xuất này, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Vũ Minh Tiến cho biết: Các đề xuất được tập hợp và phản ánh trực tiếp từ từ cơ sở, từ tâm tư, nguyện vọng của NLĐ nên rất xác thực. Điều quan trọng là làm sao để triển khai hỗ trợ đúng đối tượng và giảm các thủ tục hành chính. Đây cũng là vướng mắc đã được bộc lộ trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong hai năm vừa qua.
Đồng tình với đề xuất này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh: Mặc dù kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng thị trường lao động năm nay rất khó khăn, nhất là những tháng cuối năm. Hơn nữa, dịch Covid-19 kéo dài, thị trường lao động bị biến động mạnh, nhiều người mất việc, không có thưởng Tết. "Tôi ủng hộ phải đề xuất Chính phủ hỗ trợ, phải làm ngay, làm quyết liệt giống như là làm với vaccine, tạo ra phong trào mạnh mẽ" - bà Nguyễn Thị Lan Hương nêu.
Nên mở rộng đối tượng người lao động được hỗ trợ
Về giải pháp thực hiện để hoàn tất thủ tục hỗ trợ cho NLĐ trước Tết Nguyên đán, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến cho rằng: Phải chia làm nhóm cơ bản để hỗ trợ. Trước tiên, nhóm khó khăn nhất là nhóm bị mất việc làm, biện pháp chủ yếu, cơ bản nhất vẫn là tìm cách kết nối thị trường lao động, kết nối nơi cần việc (kể cả khu vực chính thức, không chính thức) để giới thiệu việc làm cho NLĐ. Đồng thời, đề nghị DN nếu như phải chấm dứt hợp đồng thì phải bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho NLĐ và có hỗ trợ thêm.
Ví dụ như NLĐ làm 10 tháng, DN vẫn phải thanh toán tiền Tết hoặc tiền tháng lương 13, tiền thưởng... Nhóm thứ hai cũng cần quan tâm là nhóm bị nghỉ việc tạm thời, phải đối thoại, hỗ trợ cho NLĐ hưởng các phần lương cơ bản và hỗ trợ thêm khi nghỉ việc tạm thời (nửa tháng, 1 tháng, 2 tháng).
Còn theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương, để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, tránh bị nhầm hoặc lợi dụng chính sách cần đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ cho toàn bộ NLĐ nghèo chứ không riêng trong khối DN. Lao động nghèo được xác định theo mức trần thu nhập và trên cơ sở mức sống chứ không phải trên cơ sở mất việc. Cùng đó, nên mở rộng đối tượng hỗ trợ ra khối lao động ngoài khu vực chính thức để hỗ trợ được nhiều hơn cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Việc thực hiện chăm lo đời sống, đảm bảo mọi NLĐ đều có Tết là vấn đề luôn được Chính phủ ưu tiên, đặt lên hàng đầu. Mới đây, tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ NLĐ bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm. Đồng thời tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng theo quy định; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...
Và tại Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam hôm 27/12, sau khi thông báo về bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những thuận lợi, khó khăn trong năm 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nhiều DN, nhà máy phải giãn việc, cho NLĐ nghỉ việc do không có đơn hàng. “Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ trong dịp Tết cho NLĐ phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng xuất khẩu giảm” - Phó Thủ tướng thông tin.
Trong lúc NLĐ khó khăn, mất việc hoặc giảm việc làm thì cái họ cần nhất là tiền để trang trải cuộc sống. Vì vậy, các gói hỗ trợ nên thiết kế hỗ trợ bằng tiền mặt. Để đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, khâu thủ tục phải làm sao vừa chặt chẽ, vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được hỗ trợ.
Mỗi chủ tài khoản khi mở tài khoản đều có số căn cước công dân, sẽ dễ xác minh đúng người lao động của DN đó được hỗ trợ, theo danh sách đề xuất của DN, tránh thất thoát do không đúng đối tượng. Nếu sai ở khâu nào, khâu đó phải chịu trách nhiệm, chặt chẽ ngay từ đầu để không ai dám làm sai. Ngoài ra, các chính sách giảm lãi suất, giãn giảm gia hạn thuế để tiếp sức DN, tạo thêm công ăn việc làm cho NLĐ cũng rất cần thiết.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Century Hoàng Minh Nguyễn Huệ Mỹ
Vinatex có số lượng NLĐ làm việc tại các đơn vị thành viên rất lớn. Trong quan điểm xuyên suốt, Vinatex luôn xác định có 2 nguồn tài sản quý nhất phải bảo vệ là NLĐ và vị trí trong chuỗi cung ứng. Chúng tôi chấp nhận giảm mức lợi nhuận xuống, hy sinh, lựa chọn để dành số tiền đảm bảo chi lương, thưởng và chăm lo cho NLĐ. Tập đoàn muốn tạo một thế đứng vững vàng hơn, duy trì vị thế của người về lao động, để sẵn sàng trong thời gian tới khi thị trường hồi phục sẽ nhanh chóng tổ chức sản xuất, chớp lấy các cơ hội từ thị trường.
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Phạm Thị Thanh Tâm