70 năm giải phóng Thủ đô

Hỗ trợ Nhân dân sớm ổn định cuộc sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến cực đoan và ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình mưa lũ những ngày qua, chiều 30/7, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai công tác ứng phó với mưa, lũ.

Đoàn viên thanh niên TP Hạ Long khắc phục hậu quả sau cơn lũ. 	 Ảnh:  Minh Hà
Đoàn viên thanh niên TP Hạ Long khắc phục hậu quả sau cơn lũ. Ảnh: Minh Hà
25 người thiệt mạng và mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị, đến chiều qua, mưa có chiều hướng giảm, tuy nhiên, tại nhiều khu vực ở Quảng Ninh vẫn tiếp tục có mưa cục bộ với lượng mưa từ 100 – 200mm. Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo thống kê tới chiều 30/7, Quảng Ninh có 17 người thiệt mạng vì mưa lũ, 28 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 3.700 công trình nhà dân, trạm xá, trường học bị nước lũ nhấn chìm. Trên 1.065ha lúa, hoa màu, 433ha và 880 lồng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 33.600m3 đất đá bị sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Sóng to, gió lớn trên biển đã gây ra 3 vụ chìm tàu làm 7 lao động mất tích. Cùng với đó, khoảng 8.500 hộ dân ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch, do đường ống cấp nước bị đứt gãy; dự kiến phải tới ngày 5/8, Công ty CP Cung cấp nước sạch tỉnh Quảng Ninh mới khắc phục xong. Thiệt hại tại Quảng Ninh ước tính gần 2.000 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại của ngành than là gần 1.000 tỷ đồng.    

Không nặng nề như Quảng Ninh, tuy nhiên, mưa lũ đã gây thiệt hại đáng kể cho địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn Lê Thị Thanh Nhàn cho biết, mưa lũ khiến mực nước 5 hồ chứa lên cao trên mức báo động; 10 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn; 24 điểm thuộc 4 tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở nghiêm trọng. Tại Bắc Giang, Hải Phòng, lượng mưa lớn gây ngập lụt nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, tới chiều qua (30/7), nước đã bắt đầu rút.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những ngày qua, các TP Hạ Long, nhằm sớm giúp người dân ổn định cuộc sống vùng thiệt hại, tỉnh đã chủ động trích từ nguồn ngân sách dự phòng 15 tỷ đồng hỗ trợ cho 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Đồng thời, hỗ trợ mỗi gia đình bị sập nhà 50 triệu đồng để tạm cư. Tỉnh cũng đang tích cực phát động phong trào ủng hộ khắc phục thiệt hại, hiện đã thu được 28 tỷ đồng từ các DN, các tỉnh, thành trên cả nước. Trong một diễn biến liên quan, đại diện Ủy ban Quốc gia TKCN cho biết, chiều 29/7, Bộ Quốc phòng đã có công điện yêu cầu các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh túc trực 24/24 giờ, tích cực hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Lữ đoàn 170 Hải quân đã cử tàu HQ 634 ra đảo Cô Tô đón 1.500 du khách hiện đang mắc kẹt vào bờ. Ông Nguyễn Đức Long – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết: Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo địa phương phải tổ chức đưa Nhân dân ở những nơi nguy hiểm đến địa điểm trú tránh an toàn, nhưng chính quyền cơ sở chưa cương quyết, lẽ ra phải có biện pháp cưỡng chế với những hộ dân không thực hiện. Sau khi khắc phục xong thiệt hại, tỉnh sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm cụ thể.

Liên quan đến việc di chuyển khách du lịch mắc kẹt ở đảo Cô Tô. Đến chiều tối 30/7, khoảng 200 trong số hơn 1.500 khách trên đảo đã được tàu Hải quân HQ 634 đưa về đất liền. Tàu HQ 634 sẽ làm nhiệm vụ cho đến khi đưa hết số du khách mắc kẹt trên đảo về đất liền an toàn.

Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư thông tin, theo dự báo, từ ngày 1 – 4/8, khu vực Bắc bộ có khả năng hứng chịu đợt mưa lớn thứ hai, với lượng mưa từ 100 – 300mm. Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi, thông tin đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo các huyện, thị xã kiểm tra những khu vực ngập lụt, kiên quyết di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Khẩn trương kiểm tra các hồ chứa, vận hành phù hợp để đảm bảo an toàn. Bộ trưởng đề nghị Bộ Công Thương cử chuyên gia về Quảng Ninh để khảo sát, đánh giá nguy cơ tràn bãi thải than; chỉ đạo Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam có biện pháp đảm bảo an toàn hầm lò. Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện việc trợ giúp cho người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai theo đúng các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước... giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống. 
Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: Đến ngày 30/7, tại Quảng Ninh một số phường, xã của TP Hạ Long, Cẩm Phả; các huyện Vân Đồn, Hoàng Bồ, Tiên Yên, Móng Cái vẫn đang bị ngập lụt, gây mất điện 6 nhánh rẽ. 21 trạm biến áp, 1.715 khách hàng bị mất điện do nước ngập. Như vậy, so với thời điểm ngày 28/7, ngành điện đã khắc phục, cấp điện trở lại cho 38.795 khách hàng. (Minh Phương)