Đồng bộ về hạ tầng
Theo thống kê, chỉ sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có khoảng 100.000 người đăng ký sử dụng với gần 135.000 chuyến đi. Dù triển khai sau TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng song tại Hà Nội, số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều nhất, chiếm trên 50%.
Không chỉ góp phần giảm phát thải ra môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khác như tàu điện, xe buýt… Lợi ích mang lại là rất lớn, song triển khai xe đạp công cộng trên diện rộng gặp không ít khó khăn.
Ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GTVT Hà Nội cho biết: "Để triển khai xe đạp công cộng, thời gian tới, cần quan tâm về điều kiện hạ tầng dành cho loại phương tiện này. Chúng ta phải xác định đây là một trong những cấu phần vận tải nói chung.”
Với đặc trưng của Hà Nội, có nhiều ngõ nhỏ, hẹp nên điều kiện để người dân tiếp cận với các dịch vụ VTHKCC khối lớn còn nhiều bất cập, trở ngại. Chính vì vậy, xe đạp sẽ là phương tiện trung chuyển và kết nối phù hợp nhất.
Đánh giá về việc bố trí mạng lưới bãi đỗ xe đạp công cộng hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội nhận định: “Kết nối vận tải công cộng là bài toán đặt ra ban đầu để VTKHCC có khách. Giống như xe buýt, tàu điện, ta phải kết nối các điểm đỗ xe với nhà chờ để người dân thuận tiện khi di chuyển”.
Hiện Hà Nội đã cấp phép cho Công ty Vận tải số Trí Nam gần 80 điểm làm trạm xe đạp, ưu tiên ở những vị trí tốt nhất trong khu vực các quận nội thành. Đặc biệt là các khu vực gần nhà ga, bến tàu, trường học, công viên, trung tâm mua sắm,...
Ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Trí Nam cho biết: “Qua gần 2 năm thí điểm trên cả nước, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là còn thiếu cơ sở hạ tầng cho xe đạp. Hiện tại, Hà Nội bắt đầu có đề án đường dành riêng cho xe đạp. Đây là tín hiệu đáng mừng”.
Ông Phan Trường Thành chia sẻ, Sở GTVT Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu hai tuyến đường dành riêng cho xe đạp và nếu đủ điều kiện sẽ triển khai vào năm 2024.
Hiện nay xuất hiện lo ngại về việc nhiều điểm đỗ xe đạp công cộng vẫn ở ngoài trời, thời gian lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phương tiện, nhà đầu tư cần lưu tâm hơn trong việc bảo quản, đảm bảo chất lượng.
Về vấn đề này, ông Phan Trường Thành cho biết thêm, sau này tại các khu vực nhà ga của đường sắt đô thị, bến xe sẽ dành một phần diện tích có mái che cho xe đạp công cộng. Ngoài ra, về lâu dài, để người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, cần có khu vực đỗ xe ưu tiên cho xe đạp.
Cần giải pháp thu hút người dân
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội khẳng định xe đạp công cộng có thị trường. Song, để tồn tại và phát triển thành công cần 3 yếu tố chính: thị hiếu khách hàng, sự quản lý của Nhà nước và độ tin cậy của dịch vụ.
Trong đó, để mở rộng thị trường, cần một khung pháp lý cụ thể về cơ chế vận hành cho phương tiện và DN; Nhà nước phải tham gia quản lý, xây dựng khung giá sao cho hấp dẫn người dân sử dụng.
Chia sẻ về kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam thông tin: “Công ty có đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 để xử lý sự cố trên đường. Ngoài ra, đội ngũ bảo trì hoạt động thường xuyên, tổng kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần”.
"Để người dân tiếp cận loại xe này dễ dàng hơn, chúng tôi đã đưa ra giải pháp về thẻ RFID, không dùng điện thoại vẫn sử dụng được xe đạp. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tích hợp thanh toán xe đạp công cộng tại Hà Nội và toàn quốc nói chung” - ông Quân cho hay.
Để thu hút lượng khách hàng trung thành, nhà đầu tư đã thử nghiệm các gói ưu đãi, khuyến mãi. Trong đó, lần đầu tiên sau khi xe đạp công cộng khai trương tại Thủ đô, có gói ưu đãi 5.000 đồng đi xe đạp/tháng, mỗi ngày 2 tiếng. Lượng người dân tham gia tương đối đông, Hà Nội có gần 1.000 người tham gia.
Ông Đỗ Bá Quân chia sẻ, có thể nói, 99% người dân sử dụng dịch vụ không phản đối về mức giá thuê. Trong 2 năm qua, đơn vị vẫn giữ nguyên giá thuê, chưa có ý định thay đổi và đang đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ. Đây là cơ hội để người dân biết đến xe đạp công cộng và có thể thay đổi tư duy, từ đó sử dụng lâu dài hơn.
Theo thông tin ông Đỗ Bá Quân cung cấp, tại khu vực nhà ga Metro Cát Linh - Hà Đông, sau hơn 2 tháng đã có khoảng 14.000 lượt sử dụng xe đạp công cộng, cao điểm nhất là vào giờ đi làm và tan tầm.
Với đà phát triển như vậy, vào năm 2024, xe đạp công cộng sẽ tiếp cận các quận còn lại của Hà Nội, mở thêm trạm xe để phục vụ người dân.
“Về lâu dài, tôi nghĩ cần đánh giá, khảo sát toàn diện về hoạt động của xe đạp công cộng. Đây sẽ là cơ hội để cơ quan nhà nước có những đề xuất phù hợp, đưa vào các dự thảo luật, hoàn thiện khung hành lang pháp lý. Từ đó, ta sẽ có mạng lưới vận tải tốt cho người dân và xe đạp là mắt xích quan trọng cho VTHKCC số lượng lớn" - ông Phan Trường Thành - nói.