Sau thông xe kỹ thuật, công trình cầu Sông Thu giờ ra sao?
Kinhtedothi - Gần 5 tháng kể từ thời điểm thông xe kỹ thuật, dự án đường nối quốc lộ 14H đi ĐT609C (cầu Sông Thu) cơ bản hoàn thành các hạng mục đã bàn giao mặt bằng. Nhưng đường dẫn cầu Sông Thu thuộc địa phận xã Thu Bồn (huyện Duy Xuyên cũ) vẫn còn ngổn ngang.
Dự án đường nối quốc lộ 14H đến ĐT609C có tổng mức đầu tư hơn 378 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Công trình gồm phần đường dài 5,4km với nền rộng 9m và mặt đường bê tông nhựa rộng 8m; cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn dài 669m, có vị trí cách bến đò Duy Tân - Phú Thuận khoảng 600m về phía thượng lưu. Công trình được khởi công vào tháng 9/2022 và dự kiến hoàn thành trong vòng 840 ngày.

Hạng mục cầu Sông Thu đã hoàn thiện tất cả các đầu việc liên quan để thông xe qua địa phận huyện Đại Lộc cũ.
Tháng 3 vừa qua, công trình đã được thông xe kỹ thuật và gắn biển công nhận công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2025) và 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (28/3/1930 - 28/3/2025). Dự án hoàn thành góp phần hình thành trục đường chiến lược Bắc - Nam theo định hướng Quy hoạch giao thông vận tải của địa phương; đảm bảo an ninh - quốc phòng; mở rộng không gian, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng sau gần 5 tháng thông xe kỹ thuật, dự án đường nối quốc lộ 14H đến ĐT609C vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến mặt bằng. Trong đó hạng mục đường dẫn cầu Sông Thu phía địa phận xã Thu Bồn (huyện Duy Xuyên cũ) bị ách tắc nhiều đoạn, nhà thầu không thể triển khai thi công.
Ghi nhận thực tế của phóng viên, hạng mục cầu Sông Thu và hệ thống đường dẫn địa phận huyện Đại Lộc cũ cơ bản đã hoàn thành thông suốt. Trong khi đó, diện mạo đường dẫn phía huyện Duy Xuyên cũ thi công đứt đoạn, nhiều khu vực người dân thực hiện rào chắn không cho thiết bị di chuyển vào.

Nhiều đoạn vướng mặt bằng nhà thầu không thể thi công.
Có khoảng 5 đoạn bị vướng mặt bằng với chiều dài 0,3km liên quan đến các hộ Hồ Minh, Nguyễn Phước Long, Nguyễn Thị Phương, Trần Thị Mật, Thái Năm… Chưa kể, khu tái định cư Duy Tân hiện vẫn chưa có động thái thi công, người dân tranh thủ trồng lúa.
Đại diện nhà thầu Công ty CP Xây lắp Thành An 96 cho biết sau khi thông xe kỹ thuật đã thi công hoàn thành hệ thống đường dẫn phía huyện Đại Lộc cũ cũng như các đường giao dân sinh. Đối với địa phận huyện Duy Xuyên cũ, nhà thầu thi công hoàn thành khoảng 500m bê tông nhựa, 10 đường giao dân sinh; triển khai đắp đất nền 1km. Đơn vị cũng đã thảm nhựa được khoảng 400m đoạn đường ĐH10.DX.
“Đoạn nào có mặt bằng đã cơ bản thi công đúng và vượt tiến độ. Nhưng từ lúc thông xe kỹ thuật đến nay, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gần như không có tiến triển. Ngoài ra, giá vật liệu tăng cao và thiếu nguồn cung trầm trọng nên ảnh hưởng không nhỏ đến dự án. Điển hình giá cát dự toán là 162.000 đồng/m3 nhưng mua về đến công trình hơn 700.000 đồng/m3” - đại diện nhà thầu chia sẻ.

Phần lớn các hộ dân vướng mặt bằng vì liên quan đến công tác đền bù và tái định cư.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (thuộc UBND TP Đà Nẵng) thừa nhận công trình cầu Sông Thu đang gặp khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đơn vị thời gian qua cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB, tái định cư.
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Nam vừa sáp nhập với TP Đà Nẵng nên phần nào ảnh hưởng đến quá trình vận hành, tổ chức liên quan đến công tác GPMB, xây dựng khu tái định cư. Hiện chính quyền cấp xã cũng mới vừa kiện toàn và đi vào hoạt động nên cần có cơ chế vận hành để thực hiện các bước thủ tục về triển khai.
Chủ đầu tư dự kiến sẽ tổ chức họp với địa phương trong thời gian sớm nhất để thống nhất phương án thực hiện đền bù, GPMB để bàn giao cho nhà thầu thi công. Mục tiêu phấn đấu phải làm sao hoàn thành toàn bộ hệ thống đường dẫn trong tháng 9/2025.

Khu dân cư Duy Tân dùng để bố trí đất tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng vùng dự án đã không thực hiện thi công.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thu Bồn cho biết đã kiểm tra và nắm tình hình thực tế các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, do bộ máy chính quyền xã mới tập trung ổn định, vận hành nên còn nhiều thách thức. Liên quan đến công tác đền bù, GPMB và thực hiện khu tái định cư cần chờ hướng dẫn cụ thể về mặt nhân sự, quy trình thủ tục.

Đà Nẵng: chính quyền phường Bàn Thạch phải kiến tạo, chủ động phục vụ
Kinhtedothi - Phường Bàn Thạch, TP Đà Nẵng tập trung giải quyết việc làm cho gần 18.000 lao động, thu hút hàng trăm triệu USD vốn đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế.

Bão số 3 giật cấp 15, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo khẩn
Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng kiểm tra, rà soát việc neo đậu, đảm bảo an toàn cho các tàu chở hàng, tàu vận tải khi vào vịnh Đà Nẵng neo đậu.

Đà Nẵng: cháy gần 10ha rừng, lãnh đạo thành phố chỉ đạo khẩn
Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Nam Hưng đã đi kiểm tra và yêu cầu các lực lượng cần có biện pháp phòng ngừa, không cho cháy lan trên địa hình rừng dốc, thời tiết hanh khô và gió mạnh.