Nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Chương trình khuyến công TP, Sở đã tổ chức 274 lớp truyền nghề cho 9.590 lao động nông thôn. Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, trên 80% số lao động có việc làm. Chương trình truyền nghề đã góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của Hà Nội lên trên 70%, tạo thêm việc làm cho hàng chục nghìn lao động khu vực ngoại thành Hà Nội. Đồng thời, Sở đã tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị DN, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính... cho 7.200 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý; hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.
Trong 5 năm qua, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tổ chức 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN), hỗ trợ 1.250 DN, cơ sở sản xuất của Hà Nội và gần 40 tỉnh, TP trong cả nước tham gia; thu hút 3.200 nhà nhập khẩu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đến tham quan, giao dịch mua hàng. Qua 5 kỳ hội chợ đã có hàng trăm hợp đồng xuất khẩu hàng TCMN được ký kết, trị giá trên 20 triệu USD. Chương trình khuyến công cũng đã hỗ trợ hàng trăm DN, cơ sở sản xuất hàng TCMN trong các làng nghề tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN tại nước ngoài và hội chợ công nghiệp, thương mại trong nước. 100% DN, cơ sở CNNT tham gia hội chợ nước ngoài tìm kiếm được khách hàng tiềm năng và ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị bình quân xấp xỉ đạt 55.000 USD/DN/năm. Cùng với đó, đã có 85 lượt DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng TCMN xuất khẩu được hỗ trợ thuê chuyên gia thiết kế mẫu sản phẩm mới với 495 mẫu sản phẩm mới được thiết kế và đưa ra thị trường.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã tổ chức các cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN cấp TP. Hoạt động này đã góp phần giúp các DN, cơ sở CNNT đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tiếp cận nguồn thông tin mới và cập nhật phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Tiếp tục hỗ trợ hơn 10.000 DN
Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 năm qua, công tác khuyến công được triển khai đồng bộ, rộng khắp, qua đó đã thổi làn gió mới vào hoạt động kinh tế nông thôn trên địa bàn. Ngoài ra, Chương trình khuyến công TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 đã phối kết hợp tốt với các chương trình khác của TP (Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội, chương trình hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX TP Hà Nội...).
Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt DN, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025... Bên cạnh đó, chương trình phấn đấu hỗ trợ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng; phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất...
Để đạt được mục tiêu đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh công tác truyền nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ từ các cơ sở sản xuất CNNT, ưu tiên các cơ sở sử dụng nhiều lao động. Thường xuyên đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động và lực lượng quản lý của cơ sở; nâng cao những kiến thức và kỹ năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các làng nghề, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ có chọn lọc DN trong làng nghề để làm đầu tàu phát triển sản xuất.
Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ DN nhỏ và sử dụng nhiều lao động, DN có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường…
Thông qua hoạt động khuyến công, với một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước, đã có hơn 7.000 lượt DN, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn TP được hỗ trợ. Các tổ chức, DN được hỗ trợ không chỉ tăng trưởng sản xuất bình quân từ 5 - 15%/năm mà còn tạo việc làm cho gần 50.000 lao động nông thôn. Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội Đào Hồng Thái |