Hỗ trợ và hợp tác, nâng tầm vị thế châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 9/9, tuần lễ bận rộn của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20 tại Vladivostok, Liên bang Nga đã kết thúc tốt đẹp với Tuyên bố chung nhấn mạnh “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”.

 Mặc dù, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản - Hàn Quốc và giữa Trung Quốc - Nhật Bản đã ảnh hưởng khá nhiều đến bầu không khí của Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, nhưng các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề quan trọng.
 
Trước hết là quyết tâm cùng nhau hỗ trợ và hợp tác để củng cố, ổn định tài chính và khôi phục niềm tin của thị trường với các biện pháp như: Chuyển dịch mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh và bền vững; đẩy mạnh tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại khu vực; hợp tác trong các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới, thiết lập chuỗi cung ứng đáng tin cậy, tăng trưởng sáng tạo, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống, trong khi tiếp tục hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, bảo đảm an ninh năng lượng, Hội nghị nhấn mạnh nhu cầu gia tăng hợp tác bảo đảm an ninh lương thực, nhu cầu bảo vệ nguồn nước và coi đây là nguồn tài nguyên chiến lược toàn cầu mới.
 
Hỗ trợ và hợp tác, nâng tầm vị thế châu Á - Ảnh 1.
Lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 20. Ảnh TTXVN

Quy tụ 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, qua hơn 20 năm tồn tại, APEC đã trở thành Diễn đàn hợp tác kinh tế - thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số của các nước thành viên là hơn 2,5 tỷ người, chiếm tới 55% GDP toàn cầu. Vì thế, việc lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC được đánh giá là hoạt động đối ngoại hết sức quan trọng, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của nước Nga sau khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 22/8 vừa qua. Ngoài ra, việc các mục tiêu của Hội nghị được "thực hiện trọn vẹn" như lời Tổng thống chủ nhà V.Putin tổng kết đã xây dựng cầu nối hợp tác giữa APEC với châu Á - khu vực đã trở thành động lực tăng trưởng của thế giới. Thông qua các biên bản hợp tác kinh tế trị giá hàng tỷ USD giữa các nền kinh tế thành viên, Hội nghị này một lần nữa đã tạo ra "sức mạnh mềm" cho các nền kinh tế thành viên phục hồi và vượt qua các thách thức an ninh phi truyền thống.

Tham dự hầu hết các hoạt động quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh APEC năm nay, Đoàn đại biểu Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong thúc đẩy liên kết khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các đề xuất phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực cần được coi là một nội hàm quan trọng của công cuộc đổi mới và chiến lược phát triển quốc gia; đề xuất nhiều biện pháp tăng cường liên kết kinh tế khu vực, chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo... của đoàn Việt Nam đã được các đại biểu đánh giá cao. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần