Hỗ trợ "vốn mồi" cho tu bổ, tôn tạo di tích

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tự hào có nhiều di tích văn hóa, lịch sử nhất cả nước, song Hà Nội cũng đang đối mặt thách thức lớn khi hơn 1/3 số di tích đang cần được đầu tư chống xuống cấp, trong đó, không ít đã vào loại “báo động đỏ”.

Trong khi ngân sách đầu tư công hạn hẹp, việc đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng để tu bổ di tích đang vấp phải không ít rào cản.

Việc thi công tu bổ hạng mục nhà Tam Bảo (chùa Chài, xã Võng La, Đông Anh) đang chậm trễ do nhiều vướng mắc.

Hiện Thủ đô có 5.922 di tích tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tập trung nhiều ở Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433), Ba Vì (394)... Trong giai đoạn 2012-2017, toàn TP đã huy động XHH được trên 1.200 tỷ đồng cho công tác tu bổ các di tích, song qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP mới đây cho thấy, hiện 2.235 di tích đã xuống cấp các hạng mục chính, trên 200 di tích xuống cấp trầm trọng. Nguồn công đức phần lớn do sư trụ trì di tích quản lý mà chưa có giám sát của chính quyền nên còn hiện tượng sư dùng nguồn này tự ý tu bổ, dẫn đến phá vỡ cảnh quan truyền thống di tích. Đặc biệt, vốn XHH huy động được còn ít, nhiều nơi thiếu nguồn lực, bố trí ngân sách dàn trải, nên hầu hết không được tu bổ hoàn chỉnh mà mới dừng ở sửa chữa, chằng chống công trình.
Điển hình tại Thường Tín, từ 2010 đến nay được đầu tư hàng chục tỷ đồng tu bổ, chống xuống cấp, song vẫn còn 16 di tích đã xếp hạng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng đang thiếu nguồn lực. Hay huyện Ứng Hòa có 18 di tích có nguy cơ đổ sập, cũng chưa có kinh phí. Tại Đông Anh, 25 đình, chùa tuổi đời hàng trăm năm, đã xuống cấp trầm trọng, địa phương không đủ nguồn nên chỉ có biện pháp chống đỡ tránh sập đổ.
Cùng với đó, thời gian thực hiện thủ tục thỏa thuận, thẩm định, trình tự tu bổ kéo dài, quy trình phức tạp, chồng chéo. Trong khi, việc làm rõ nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng vốn XHH, cam kết nguồn vốn cũng đang làm nhiều địa phương lúng túng. Theo BQL dự án huyện Đông Anh, với nhiều di tích cấp quốc gia, huyện muốn tu tạo phải qua rất nhiều bước thiết kế, thẩm định, xin ý kiến vốn... mất cả năm mới có được thỏa thuận đầu tư. Hay theo Trưởng Phòng VHTT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, rất khó lập hồ sơ trình các cấp phê duyệt dự án tu bổ di tích từ vốn XHH, bởi quy định Chủ tịch huyện phải cam kết địa phương đủ vốn, chứng minh tài khoản đủ số tiền để tu bổ bằng vốn XHH, mới được thực hiện. Nhưng thực tế, cá nhân, tổ chức có thể công đức bằng hiện vật hoặc tiền, và không bao giờ chuyển khoản ngay số tiền lớn cho huyện.
Từ thực tế trên, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương đề nghị trước hết, các quận, huyện, thị xã kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng, để xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo những di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp. Với vai trò cơ quan tham mưu, Sở VH-TT cần tăng cường phối hợp các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, thu hút XHH trong tu bổ di tích, kiểm kê cổ vật, phát huy hiệu quả hoạt động các BQL di tích. “Để giải quyết bài toán nguồn lực, với những di tích xuống cấp nghiêm trọng, đoàn giám sát sẽ đề nghị các cơ quan liên quan hỗ trợ địa phương bằng “vốn mồi”, như thông qua chương trình vốn sự nghiệp văn hóa, chương trình mục tiêu. Phía các quận, huyện, ngoài ngân sách thì cần đẩy mạnh XHH, song hết sức lưu ý quá trình thực hiện tránh phá vỡ kiến trúc công trình” - Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP nhấn mạnh.
Theo một số địa phương, việc bố trí vốn cần tập trung, mỗi năm chỉ cần 2-3 công trình “ra tấm, ra món”, còn hơn trải đều cho hàng chục công trình. Để tránh “tiền của dân thì dân tự làm”dẫn tới tự ý phá bỏ di tích, xây mới, Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến đề nghị các quận, huyện phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra công tác quản lý di tích tại cơ sở, kịp thời xử lý việc xâm hại di tích.