Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ vốn sinh kế cho nhiều gia đình có trẻ em hoàn cảnh khó khăn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những gia đình đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại 5 huyện trên địa bàn Hà Nội đã được trao hỗ trợ sinh kế từ 5 đến 7 triệu đồng/hộ để đầu tư trồng hoa, chăn nuôi, kinh doanh,... giúp cải thiện điều kiện sống, từ đó chăm sóc các cháu tốt hơn.

Đồng vốn hỗ trợ kịp thời

Với mong muốn trẻ em được sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình của mình cũng như ngăn ngừa trẻ em lao động sớm, năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội cùng Tổ chức Holt International Children’s Services Inc – Mỹ (viết tắt là Tổ chức Holt) đã trao hỗ trợ sinh kế cho 50 hộ gia đình đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 5 huyện của TP Hà Nội, với kinh phí gần 300 triệu đồng. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội” do Tổ chức Holt tài trợ và đồng hành cùng Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội.

Các gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đông Anh nhận vốn hỗ trợ sinh kế. 
Các gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đông Anh nhận vốn hỗ trợ sinh kế. 

Tại buổi trao hỗ trợ sinh kế cho 16 hộ gia đình trên địa bàn 2 xã Đại Thịnh và Mê Linh thuộc huyện Mê Linh mới đây, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được tiền hỗ trợ sinh kế. Với khuôn mặt rám nắng, đượm buồn, ông Nguyễn Huy Hùng (xã Mê Linh) có cháu nội Nguyễn Huy Gia Bảo hơn 3 tuổi, chia sẻ: “Năm ngoái, bố mẹ cháu Gia Bảo ly hôn, bỏ lại con cho vợ chồng tôi nuôi. Gia đình tôi chỉ có 2 sào đất trồng hoa, thu nhập không đủ nuôi sống 5 người, phải thuê thêm ruộng của người dân. Lợi nhuận từ trồng hoa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá nên cuộc sống khó khăn. Hôm nay, gia đình được nhận hỗ trợ sinh kế 6,1 triệu đồng, chúng tôi sẽ đầu tư trồng thêm 1 – 2 sào hoa cúc. Chúng tôi, cảm ơn tổ chức Holt và Trung tâm, huyện Mê Linh đã tạo điều kiện cho gia đình có thêm đồng vốn trồng hoa có thêm thu nhập nuôi cháu nội ăn học”.

Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu trao vốn cho các gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 
Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu trao vốn cho các gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. 

Ngồi kế bên chúng tôi là chị Nguyễn Thị Lợi (xã Đại Thịnh) và con gái 8 tuổi mắc bệnh bại não. Hoàn cảnh gia đình chị Lợi rất khó khăn khi chồng làm nghề tự do, công việc không ổn định; vợ bán quần áo trẻ em. Chị Lợi rơm rớm nước mắt cho biết: “Chúng tôi có 3 con. Con đầu 8 tuổi bị bại não không thể đi học; con thứ hai bị bệnh tim bẩm sinh; con thứ ba mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Hàng ngày tôi chăm các con và mở một quầy nhỏ bán quần áo trẻ em nhưng hôm có khách mua, hôm lại không. Hôm nay gia đình được nhận 5,7 triệu đồng hỗ trợ sinh kế, tôi sẽ dùng để nhập thêm một số mẫu mã mới, hy vọng việc kinh doanh thuận lợi có tiền chăm sóc, trị bệnh cho các con. Tôi thật sự xúc động và cảm ơn các tổ chức, trung tâm đã hỗ trợ kịp thời cho gia đình trong lúc khó khăn này”.

Ước mong trẻ em được cải thiện cuộc sống

Trao đổi về hoạt động hỗ trợ sinh kế cho gia đình đang nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Vũ Hồng Thu cho biết: 50 hộ gia đình đang nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn được trao hỗ trợ sinh kế trong năm 2024 ở 5 huyện là Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín và Thạch Thất.

Trước khi trao hỗ trợ kinh phí, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội phối hợp với Tổ chức Holt rà soát, thẩm định tính khả thi từng kế hoạch sản xuất kinh doanh của 50 hộ gia đình. Tùy điều kiện và kế hoạch, các gia đình được trao hỗ trợ vốn sinh từ 5 đến 7 triệu đồng để phát triển nghề truyền thống như trồng hoa, chăn nuôi gà, bán hoa, bán rau, sửa chữa xe máy...

Từ số tiền vốn hỗ trợ, nhiều gia đình đã đầu tư mua gà về chăn nuôi giúp cải thiện điều kiện sống cho trẻ em. 
Từ số tiền vốn hỗ trợ, nhiều gia đình đã đầu tư mua gà về chăn nuôi giúp cải thiện điều kiện sống cho trẻ em. 

Theo ông Vũ Hồng Thu, hỗ trợ sinh kế là một hoạt động rất ý nghĩa; nguồn kinh phí hỗ trợ tuy không lớn nhưng các gia đình có thêm số vốn để tăng gia sản xuất, buôn bán, mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập ổn định. Qua đó, các gia đình có điều kiện chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tốt hơn. “Sau khi triển khai trao hỗ trợ sinh kế, chúng tôi đánh giá bước đầu thấy mang lại hiệu quả. Tổ chức Holt cũng rất quan tâm và năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai trao hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở huyện khác” - ông Vũ Hồng Thao nói.

Tổ chức Holt có tôn chỉ là muốn cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình để ngăn ngừa lao động sớm và bỏ rơi trẻ em. Bà Trần Thị Minh Loan – Điều phối viên Khu vực miền Bắc của Tổ chức Holt tại Việt Nam cho hay: “Với số vốn do Tổ chức Holt hỗ trợ, cộng với nỗ lực của các gia đình phát triển kinh tế có tiền lãi nuôi con, giúp trẻ em có cuộc sống tốt hơn. Mong muốn của Tổ chức Holt là trao cho các gia đình cái “cần câu”, chứ không phải cho “con cá””.

Để đảm bảo việc sử dụng đồng vốn hỗ trợ sinh kế có hiệu quả, đúng mục đích, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội vẫn phối hợp chặt chẽ với phòng LĐTB&XH 5 huyện cũng như chính quyền địa phương để theo dõi, đánh giá. Về phía Tổ chức Holt cũng có giám sát, thăm lại các gia đình sau khi trao tiền hỗ trợ để nắm bắt việc sử dụng đồng vốn mang lại nguồn thu ra sao. “Với những trường hợp không may gặp rủi ro, ví dụ như chăn nuôi bị dịch bệnh thì Tổ chức Holt sẽ căn cứ tình hình, có hỗ trợ kịp thời giúp gia đình phục hồi, phát triển kinh tế để trẻ em được cải thiện cuộc sống” – bà Trần Thị Minh Loan cho hay.