Hòa Bình: nghề nuôi ong lấy mật giúp người dân làm giàu, bảo vệ môi trường
Kinhtedothi - Nghề nuôi ong lấy mật không chỉ giúp người dân Hòa Bình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên.
Hòa Bình sở hữu nhiều loại cây hoa dại và cây ăn quả, từ các loài hoa rừng như hoa cà phê, hoa xoan, đến các loài hoa của các vườn cây ăn quả như bưởi, mận, và nhãn. Những loài hoa này là nguồn thức ăn phong phú cho ong, giúp ong sản xuất mật có chất lượng cao và có hương vị đặc trưng.
Nhờ vào điều kiện tự nhiên phong phú, từ những năm 60 của thế kỉ XX, người dân địa phương đã biết sử dụng mật ong để phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2000 trở đi, nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế giúp các hộ dân cải thiện kinh tế gia đình. Nhiều hộ nuôi từ 20 - 30 đàn để lấy mật sử dụng hoặc bán ra thị trường để có thêm thu nhập. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong lấy mật, những năm trở lại đây Hòa Bình đang tập trung phát triển nghề nuôi ong rừng lấy mật, đem những “giọt mật rừng” tinh túy nhất ra thị trường.

Sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đã được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tận dụng thế mạnh của địa phương khu rừng bảo tồn rộng hơn 5.000 ha, Hợp tác xã Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi đã phát triển nghề nuôi ong, tạo ra sản phẩm mật ong rừng đặc trưng riêng của địa phương mình. Với quy mô trên 3.000 đàn ong nuôi tự nhiên, trung bình mỗi năm sản lượng mật ong của Hợp tác xã đạt gần 40 nghìn lít, với tổng thu nhập khoảng 6 tỷ đồng/năm. Việc quay lấy mật được Hợp tác xã thực hiện theo đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng. Năm 2022, sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đã được xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đóng lọ thủy tinh với thể tích là 350- 500 ml.
Nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật có hiệu quả kinh tế cao, ông Vũ Hồng Chương (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi ong cách đây hơn 10 năm. Tận dụng diện tích đất đai, vườn cây của gia đình, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người làm nghề nuôi ong và tự tìm hiểu kỹ thuật ông Chương vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, dần dần phát triển ổn định.
Hiện gia đình ông Chương nuôi hơn 100 đàn ong, những năm được mùa cho thu từ 700 đến gần 1.000 lít mật/năm, giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/lít. Không chỉ mật ong mà các sản phẩm của ong đều có thể cho thu nhập như sáp ong, sữa ong chúa, phấn hoa nhờ giá trị dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh tốt. Sau khi trừ các loại chi phí đã cho gia đình ông thu nhập hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Lê Kim Đồng (SN 1966, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ) là một điển hình phát triển mô hình nuôi ong lấy mật của huyện. Để phát triển nghề nuôi ong, ông Đồng đã đầu tư học hỏi một cách bài bản, dành thời gian đọc sách, báo, tìm hiểu kỹ thuật trên mạng internet, thậm chí đến các trại ong khác để học hỏi kinh nghiệm.
Đặc biệt, ông Đồng may mắn tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Với số vốn được giải ngân 50 triệu đồng, ông có nguồn lực để đầu tư mua sắm thêm thùng ong, vật tư, thức ăn, từng bước tăng đàn. Từ một đàn ong ban đầu, đến nay ông đã nhân rộng lên hơn 100 đàn.
Theo tính toán của ông Đồng, bình quân mỗi đàn cho hơn 10 lít mật/năm. Mật ong hoa vải, hoa nhãn có giá trị cao hơn, trung bình 220.000 đồng/lít, còn mật hè tuy giá rẻ hơn nhưng sản lượng ổn định. Chỉ tính riêng từ việc bán mật, mỗi đàn ong mang về cho ông hơn 1 triệu đồng/năm. Cộng dồn lại, với hơn 100 đàn ong, ông Đồng thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Được biết, để giúp hội viên Hội Nông dân xã Phú Nghĩa có thêm việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề nuôi ong, xã đã triển khai Dự án "nuôi ong lấy mật" bằng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Dự án có tổng số vốn 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 20 hộ hội viên vay 50 triệu đồng/hộ, đến nay đã phát triển được 700 đàn ong. Nghề nuôi ong không chỉ giúp hội viên nông dân tận dụng lợi thế tự nhiên, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Bên cạnh giá trị kinh tế, nghề nuôi ong lấy mật còn mang lại hiệu quả về môi trường sinh thái. Việc nuôi ong giúp thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ tính đa dạng sinh học của môi trường tự nhiên. Mùa thu hoạch mật ong diễn ra từ đầu tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Đây là khoảng thời gian có nhiều loại hoa nở, nhất là hoa vải, nhãn và cũng là lúc đàn ong đi hút nhụy nhiều nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm.
Hiện nay, Hòa Bình có nhiều sản phẩm mật ong được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Song song với phát triển sản xuất, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để mở rộng tiêu thụ các sản phẩm OCOP chủ lực trong và ngoài tỉnh.Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu “Mật ong Hòa Bình” trên thị trường.

Người thương binh làm giàu từ nghề nuôi ong
Kinhtedothi - Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất rừng, ông Nguyễn Quang Đài ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã đầu tư nuôi ong lấy mật. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật, mô hình đã cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.

Hà Tĩnh: Người nuôi ong "du mục" phấn khởi vào mùa thu hoạch mật
Kinhtedothi - Sau những tháng ngày rong ruổi theo mùa hoa, người nuôi ong "du mục" trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang phấn khởi thu hoạch mật. Niềm vui lớn là thời tiết khá thuận lợi, mật ong được mùa, giá bán ổn định hơn so với các năm trước.

Ninh Bình: nâng cao đời sống kinh tế cho người dân từ nghề nuôi ong
Kinhtedothi - Người dân Ninh Bình đã chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật phát triển nghề nuôi ong mật, sản phẩm mật ong được người tiêu dùng ưa chuộng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.