Theo đó, dự án đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (CT03) đoạn qua tỉnh Hoà Bình được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 420/NQ-HĐND, ngày 30/8/2024 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 và thống nhất danh mục dự án cho phép thực hiện thủ tục đầu tư.
Văn phòng UBND tỉnh đã có công văn về việc thực hiện dự án; Sở Giao thông vận tải được giao chuẩn bị đầu tư và đang thực hiện thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Về phương án tuyến, dự án đang được nghiên cứu theo 2 phương án: phương án 1 đi qua khu vực trung tâm huyện Mai Châu để kết nối với cao tốc CT03; phương án 2 là tuyến đi tránh trung tâm huyện Mai Châu để kết nối với cao tốc CT03.
Theo nghiên cứu khảo sát của đơn vị tư vấn báo cáo, phương án 2 có tổng mức đầu tư lớn, nhiều điểm không thuận lợi khi triển khai và không thuận lợi để kết nối với các trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, đặc biệt là Khu du lịch hồ Hòa Bình. Về phương án 1, khu vực nghiên cứu có các vị trí kết nối vào cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu được phê duyệt tại khoảng km 46+650 (IC5) thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình, km53+600 (IC6) và km 62+775 (IC7) thuộc địa phận tỉnh Sơn La.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án hướng tuyến, đưa ra những phân tích cụ thể về ưu điểm, nhược điểm khi triển khai. Các sở, ngành chức năng có ý kiến làm rõ một số nội dung, đề xuất phương án chọn và chỉnh sửa một số nội dung.
Chỉ đạo về nội dung này, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu các hướng tuyến, phương án làm đường, thi công hầm nếu khả thi; nghiên cứu xây dựng tuyến đường với tốc độ đảm bảo, hợp lý, tránh quá nhiều khúc cua, điểm sương mù nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và đưa ra các phương án để so sánh về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội; tính toán các vấn đề liên quan như địa giới hành chính, an toàn khi thi công và khi đưa vào sử dụng...
Đối với Dự án khẩn cấp phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại km 27+750 và km 28+400, đường 435 thuộc xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, theo báo cáo đánh giá phân tích, sự cố sạt trượt xảy ra do địa hình khu vực, bên phải (taluy dương) là núi cao, bên trái là vực sâu tiếp giáp hồ Hoà Bình. Địa hình có độ dốc ngang lớn, chênh cao giữa công trình và mép nước. Bên dưới taluy âm khu vực km 28+400 có dân cư sinh sống đông đúc. Trong khu vực xảy ra sạt trượt có các công trình như đường điện 35Kv, đường giao thông vào khu du lịch tỉnh. Do đó, việc phải xử lý sạt trượt là cấp bách và cần thiết nhằm sớm ổn định lại giao thông, đời sống người dân.
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn đã đề xuất 5 phương án thiết kế và phân tích rõ những ưu, nhược điểm thi công.
Chỉ đạo về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm yêu cầu Sở Giao thông vận tải, đơn vị tư vấn đánh giá lại nguyên nhân sạt trượt; khảo sát lại tổng thể cả khu vực dân cư. Các sở, ngành liên quan, UBND huyện Tân Lạc tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, có giải pháp phù hợp đảm bảo an toàn cho người dân khu vực sạt trượt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất thi công cầu cạn dầm dạng khung bê tông cốt thép. Giao đơn vị xem xét, tính toán lại để đảm bảo phương án thực hiện phải an toàn lâu dài, tiết kiệm.