Hóa đơn tiền điện phi mã: Bất cập trong cách tính và sử dụng vốn của EVN

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá điện bình quân tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn "sốc" với hóa đơn thanh toán tiền điện tháng 4 nhảy vọt.

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đã chỉ đạo thanh tra 100% các trường hợp hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường và các điện lực phải giải quyết, phản hồi trong 24 giờ từ khi nhận được phản ánh.
Điện tăng 8,36% nhưng hóa đơn lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi
Về nguyên nhân chính làm cho hóa đơn tiền điện tăng cao, theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, qua theo dõi số liệu sản lượng điện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy trong giai đoạn cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019 việc tiêu thụ điện tại địa bàn tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày và đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20/4/2019) tại Hà Nội và 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày.
Sản lượng ngày cao nhất đến thời điểm này là 90,04 triệu kWh (ngày 24/4/2019) tại TP Hồ Chí Minh. Mức sản lượng điện đỉnh về tiêu thụ này của TP Hồ Chí Minh, cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục từ trước đến nay; con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kwh ngày 6/2/2019).
Cũng theo EVN, tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng.
Cụ thể, trường hợp khách hàng sử dụng 400kWh thì số tiền phải trả thêm hơn 77.725 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm, một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Như vậy, số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay, tính đến ngày 26/4/2019, xét riêng tại địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 TP lớn nhất cho thấy tại Hà Nội có trên 32% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 22%.
Về tiền điện, tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019, tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 37%.
Trong khoảng thời gian từ ngày tăng giá điện (ngày 20/3), EVN cho biết đã nhận được các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện chủ yếu qua Tổng đài chăm sóc khách hàng, các phản ánh của khách hàng qua mạng xã hội, báo chí... Trong tổng số trên 108.000 yêu cầu liên quan đến hóa đơn tiền điện của khách hàng, chủ yếu là yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện mới, tra cứu chỉ số và hóa đơn tiền điện; trên 13.000 yêu cầu là các kiến nghị về chỉ số, hóa đơn. Cũng theo EVN, tính đến ngày 26/4, các tổng công ty điện lực đã giải quyết trên 12,9 nghìn, đạt tỷ lệ 98,7%.
Lãnh đạo EVN cũng cho biết thêm, thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định.
"Khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong thời gian sớm nhất và không quá 24 giờ.
Tập đoàn đã xây dựng công cụ tính tiền điện trên website của EVN tại đường link https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx. Khách hàng có thể chủ động tự tính toán, kiểm tra và so sánh với hoá đơn của khách hàng", lãnh đạo EVN cho biết.
Lỗi tại "bậc thang" giá điện
Giải thích của EVN cho rằng, số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Hiện giá điện đang được tính theo 6 bậc, theo hình chiếc thang với tăng dần, có nghĩa, càng dùng nhiều giá điện càng cao. Bậc thấp nhất là 0 - 50 "số điện", bậc cao nhất là từ 401 "số điện" trở lên. Bậc cao nhất có giá gần gấp đôi bậc thấp nhất. Các bậc này có mức giá tăng dần, có nghĩa, càng dùng nhiều giá điện càng cao.
Mục đích được đưa ra theo Bộ Công Thương là nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Biểu giá điện sinh hoạt theo bậc thang này áp dụng từ đầu năm 2014 đến nay, bất chấp giá điện đã nhiều lần tăng.
Bộ Công Thương giải thích biểu giá này "nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả". Ngoài ra, việc này còn dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng như trong khu vực ASEAN như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi, Indonesia, Thái lan, Malaysia đều áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang.
Tuy nhiên, sau khi biểu giá điện bán lẻ 6 bậc đưa vào áp dụng, nhiều cuộc tranh cãi đã nổ ra. "Chiếc thang" bậc giá điện ngày càng thể hiện bất cập sau mỗi lần giá điện tăng. Ngay bậc thứ nhất chỉ dao đông từ 0 - 50kWh/tháng. Đây là mức tiêu thụ điện thấp mà gần như khó có trong thực tế bởi với mức tiêu thụ đó một gia đình chỉ sử dụng thiết bị điện tối thiểu là chiếu sáng.
Tương tự mức tiêu thụ bậc 2 từ 51 - 100kWh cũng rất ít gia đình sử dụng trong mức tiêu thụ điện đó 1 tháng ngay cả khu vực nông thôn. Theo tính toán mức tiêu thụ điện của gia đình trung bình dao động từ 100 - 300kWh/tháng.
"Biểu giá sinh hoạt có 6 bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, điện sử dụng càng nhiều bị áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường (càng mua nhiều càng rẻ), dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm" - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận.
Dù hiểu bất cập đó nhưng biểu giá điện chia 6 bậc vẫn giữ nguyên. Cách chia biểu giá điện hiện nay chỉ có gia đình sử dụng dưới 100kWh/tháng là có lợi nhưng số gia đình chỉ tiêu thụ khoảng 100 kWh/tháng là rất ít trong thực tế. Còn lại đại đa số gia đình Việt Nam đang tiêu thụ điện từ trên mức 101kWh, có nghĩa số tiền điện bình quân đều trên 2.000 đồng/kWh.
"6 năm đã trôi qua, đời sống người dân đã khác. Các thiết bị sử dụng điện trong gia đình đã nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Biểu giá điện bậc thang gồm 6 mức cần được xem lại để phù hợp hơn với thực tế, đảm bảo lợi ích cho người dân. Đặc biệt là khi giá điện vừa tăng, kéo theo mức chi trả cho mỗi mức điện bậc thang của người dân tăng lên đáng kể", ông Ngô Trí Long nói.
Dấu hỏi về hơn 42.000 tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại ngân hàng
Những ngày qua, đi kèm với bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng vọt thì dư luận cũng thắc mắc về việc có bất thường khi EVN đang "ngập nợ" nhưng vẫn để hơn 42.000 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn trong ngân hàng (tăng gần 10.000 tỷ so với cuối năm 2017),
Phía EVN giải thích, số tiền hơn 42.000 tỷ đồng EVN gửi không kỳ hạn tại ngân hàng là tiền dùng để thanh toán tiền mua điện, than, khí, trả nợ và quá nhỏ so với số tiền nợ phải trả ngắn hạn hơn 106.000 tỷ đồng mà tập đoàn cần phải thanh toán.
Đây cũng là số dư tiền gửi được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên của EVN bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ. So với số dư nợ phải ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106.000 tỷ đồng) thì quá nhỏ chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện... (55 ngàn tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22.000 tỷ đồng).
"Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao", văn bản do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Nam kí thay Tổng giám đốc EVN nêu rõ.
Số dư tiền gửi không kì hạn ở ngân hàng của EVN tại ngày 30/6/2018 tăng rất mạnh so với cùng kì các năm trước đó. Một số ý kiến tỏ ra băn khoăn, vì mức lãi suất không kì hạn chỉ là 0,2%/năm, trong khi nếu gửi có kì hạn thì lãi suất tối thiểu cũng là 4,5%/năm, theo đó chi phí cơ hội đối với số tiền này không phải là ít.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN, tập đoàn có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ đầu tư đến sản xuất, kinh doanh điện năng. Mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi nhất định để phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lí đột xuất.
Chẳng hạn, với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước. Còn công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện.
Hơn nữa, do doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng, trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài tập trung vào đầu tháng. Đây là lí do mà số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.
Cùng với nhu cầu vốn đầu tư lớn thì số dư nợ vay hiện tại của EVN cũng rất lớn. Vì thế, theo giải thích của lãnh đạo EVN, nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn, để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
Tuy nhiên, dù EVN đã giải thích nhưng bên cạnh con số 42.000 tỷ gửi không kì hạn ngân hàng, vẫn còn và gần 20.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2018.
Câu hỏi này cần được lãnh đạo EVN giải trình, làm rõ. Đây là yếu kém trong quản trị tài chính hay còn động cơ nào khác? "Nếu EVN quản trị tốt hơn dòng tiền, cơ cấu lại danh mục tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, hẳn nguồn lực tài chính khổng lồ này sẽ được sử dụng hữu ích hơn, tăng thu cho Tập đoàn hàng trăm tỉ đồng", một chuyên gia cho biết và cho rằng, người dân, công luận phải cùng phối hợp, giám sát việc đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN cần phải minh bạch lúc đó, việc tăng giá điện mới được dư luận thông cảm, chia sẻ hơn.
Chuyên gia này cũng kịch liệt phản đối về việc, trong khi người dân đang xôn xao vì hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng đầu tiên tính theo mức giá điện mới, Bộ Công thương lại có tham vọng "đóng dấu mật" vào thông tin giá điện bán ra cho người dân.

Trang Vientiane Times đưa tin, vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ hàng tháng, nội các Chính phủ Lào đã nhất trí về phương án xem xét lại kết cấu giá đơn vị điện nhằm giảm giá điện. Trước khi Lào đưa ra chính sách về điều chỉnh giá điện trong dài hạn, vào giữa năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc cũng đã thực thi chính sách giảm giá điện tạm thời, để giảm tải gánh nặng tiền điện cho các hộ gia đình, nhất là các hộ có thu nhập thấp trong hai tháng nắng nóng cao điểm là tháng 7 và 8.

Theo Korea Times, điều chỉnh này đã tiết kiệm cho người dân khoảng 276,1 tỷ won (245,2 triệu USD), tương đương khoảng 20% tổng chi phí năng lượng cho mùa hè cao điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần