Hóa giải áp lực tỷ giá

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Việc điều chỉnh biên độ sẽ tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường.

Áp lực từ bên ngoài, giảm hoạt động đầu cơ USD

Trong phiên giao dịch ngày 17/10, Sở Giao dịch NHNN đã có biểu niêm yết mới về giá mua – bán ngoại tệ. Theo đó, giá bán ra USD tăng tới 455 đồng, từ mức 23.925 VND/USD lên 24.380 VND/USD. Đây là bước tăng mạnh chưa từng thấy của NHNN trong nhiều năm qua. Trong khi đó, giá mua USD tại đây vẫn tiếp tục để trống.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Việt Linh
Giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Việt Linh

Như vậy, trong vòng hơn một tháng qua, tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch NHNN đã tăng 980 VND/USD. Trong 2 lần tăng trước ghi nhận vào ngày 7/9 và ngày 30/9 với mức tăng lần lượt là 300 và 225 VND/USD. Qua 3 lần điều chỉnh, giá bán USD từ Sở Giao dịch NHNN đã tăng tổng cộng tới 980 VND, tương đương mức tăng 4,19%. Bất ngờ ở chỗ, không chỉ tăng giá bán USD, NHNN còn điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ± 3% lên ± 5%.

Đại diện NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng T.Ư lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Giới chuyên môn đánh giá, động thái này của NHNN nhằm tạo điều kiện để tỷ giá điều chỉnh linh hoạt hơn, phản ánh sát tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường, góp phần hạn chế nhập siêu và khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế hợp lý, phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế.

Trước đó, nhiều nhà phân tích và các tổ chức cũng đã không ít lần dự báo về khả năng NHNN sẽ tăng giá bán USD khi quý IV/2022 được nhận định sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất về diễn biến tỷ giá trong nước. Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh.

Đồng euro đã mất 20 - 30% giá trị, các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 - 12%. VND là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5,5% so với đầu năm. Trước những căng thẳng kéo dài về tỷ giá hối đoái, NHNN đã bán một lượng USD đáng kể từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước.

"Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay của NHNN Việt Nam thể hiện tính linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam”- Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud nhấn mạnh.

Tỷ giá vượt 24.500 VND/USD

Tỷ giá trung tâm cũng tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ bảy liên tiếp, với mức tăng tới 45 đồng so với phiên liền trước. Với biên độ mới +/-5% được áp dụng, tỷ giá trần là 24.718 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.364 VND/USD.

Giao dịch ngọai tệ tại BaoVietbank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Giao dịch ngọai tệ tại BaoVietbank, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với việc giá USD giao dịch tại các ngân hàng đã tăng xấp xỉ 5% so với đầu năm nay, trong khi tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng 1,24%, còn cách khá xa mục tiêu 2%, nhà điều hành còn nhiều dư địa điều chỉnh trong thời gian còn lại của năm nay. Vì vậy, việc để tỷ giá trung tâm tiếp tục đi lên là điều có thể hiểu được.

“Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh khi USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hơn nữa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới” - TS Lê Xuân Nghĩa đồng quan điểm.
Sau động thái quyết liệt của NHNN, giá USD tại các ngân hàng thương mại đồng loạt được điều chỉnh tăng rất mạnh.

Khảo sát sáng 18/10, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.180 - 24.460 đồng/USD, tăng mạnh 230 đồng/USD cả chiều mua và chiều bán so với sáng ngày trước đó. Vietinbank giao dịch mua - bán ở 24.125 - 24.565 đồng/USD, tăng 220 đồng/USD chiều mua và tăng mạnh 318 đồng/USD chiều bán. Tại TPBank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 24.060 - 24.580 đồng USD, tăng 140 đồng/USD chiều mua và tăng mạnh 340 đồng/USD chiều bán so với mức niêm yết trước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, động thái của NHNN là giải pháp phù hợp, hóa giải các khó khăn về cung cầu ngoại tệ. Vì khi điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen sẽ giảm.

Các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao, cũng có thể mua được USD giá thấp. Như vậy, hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế. "Khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Dù vậy, khi NHNN điều chỉnh biên độ giao ngay của đồng USD, sẽ tăng áp lực lên các DN nhập khẩu. Những DN nhập khẩu phải mua USD giá cao dẫn đến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng lên, do vậy giá thành đầu ra sản phẩm sẽ tăng lên. Kể cả với nhiều DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay với các DN vay nợ nước ngoài.

Về phía NHNN, cơ quan này khẳng định cùng với việc điều chỉnh giá bán và biên độ tỷ giá giao ngay, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

 

"NHNN đang linh hoạt sử dụng nhiều công cụ nhằm tránh dồn ép áp lực quá lớn lên tiền đồng khi càng về cuối năm, nhất là khi Fed có thể còn 2 lần tăng lãi suất cơ bản đồng USD nữa trong tháng 11 và tháng 12 tới.

Mặc dù cán cân thương mại nước ta vẫn thặng dư tương đối nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu (vốn đầu tư gián tiếp giảm). Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, NHNN buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái." - TS Lê Xuân Nghĩa

"Về ngắn hạn, trong những tháng tới, chính sách điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động đến các DN theo cả 2 hướng. Đối với DN có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ bị tác động tiêu cực hơn DN có tỷ trọng nợ vay dài hạn lớn. Đối với DN sử dụng khoản vay USD với lãi suất thả nổi sẽ chịu áp lực lớn hơn những khoản vay có lãi suất cố định.

Tuy nhiên, trong dài hạn, những DN có tỷ trọng nợ vay dài hạn bằng đồng USD lớn có thể đỡ áp lực hơn, do áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệt trong năm 2023." - TS Cấn Văn Lực