Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa giải giúp giải quyết mâu thuẫn từ khi mới manh nha

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác hòa giải ở cơ sở đóng vai trò quan trọng, mang lại bình yên cho mỗi thôn xóm, giúp ổn định an ninh chính trị, giảm khiếu kiện vượt cấp. Người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn từ cơ sở.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, tại các quận, huyện, thị xã, nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai bài bản, sáng tạo, hiệu quả trong các công tác.
Cụ thể, tại quận Hoàn Kiếm, Hội Phụ nữ quận thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” để tư vấn pháp luật, hòa giải về phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình và tổ chức hòa giải mâu thuẫn phát sinh từ những nguyên nhân này. Phòng LĐTB&XH quận ra mắt mô hình “Nhà tạm lánh” để giúp đỡ cho những nạn nhân bị bạo lực gia đình có nơi cư trú tạm thời.
Bên cạnh đó, UBND TP cũng tổ chức thành công cuộc thi "Hòa giải viên giỏi" trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019. Qua cuộc thi, ngoài nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, phổ biến đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân pháp luật về hòa giải ở cơ sở, đây còn là dịp để phát hiện, biểu dương các hòa giải viên xuất sắc, tạo cơ hội cho các hòa giải viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải.
Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đơn vị cấp xã chưa thực hiện chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở; một số vụ việc mâu thuẫn chưa phát hiện kịp thời hòa giải chuyển thành hình sự, gây bức xúc trong dư luận.
Sở Tư pháp cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật nhằm đáp ứng với yêu cầu của công tác PBGDPL và hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, tiếp tục triển khai tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội trong nhiều năm qua là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của các ban ngành, đoàn thể và toàn thể Nhân dân trên địa bàn TP, trong đó có sự đóng góp tích cực của đội ngũ hòa giải viên. Các hòa giải viên đã rất tâm huyết, trách nhiệm, khéo léo kiên trì thuyết phục, vận động người dân, hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn.
Làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, phổ biến giáo dục pháp luật sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các vi phạm pháp luật. Kinh phí dành cho các hoạt động đấu tranh chống tội phạm, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, các hoạt động giam giữ, giáo dục phạm nhân cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Các hoạt động xét xử, thi hành hình phạt – đó là bất đắc dĩ mới phải làm còn tốt hơn cả vẫn là hóa giải những mâu thuẫn, tranh chấp ngay khi chỉ vừa mới manh nha.

Đến nay, toàn TP có 5.427 tổ hòa giải với tổng số 34.390 hòa giải viên. Năm 2019, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 5.063 vụ việc hòa giải (giảm 986 vụ việc so với năm 2018), đã tiến hành hòa giải thành 4.158/4.858 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,6% (cao hơn năm 2018: tỷ lệ hòa giải thành: 85,3%), 205 vụ việc đang tiến hành hòa giải.