Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hóa giải mâu thuẫn nhờ hòa giải viên cơ sở

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở các địa bàn dân cư, những tranh chấp về đất đai, xích mích, va chạm phát sinh giữa các hộ dân, họ hàng, vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Nhờ sự công tâm và nhiệt tình của các hòa giải viên ở huyện Thạch Thất, những mâu thuẫn dần được hóa giải.

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”

Hòa giải viên Khuất Thị Hà (thôn Kinh Đạ, xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất) vẫn nhớ mãi vụ hòa giải tranh chấp đất đai, là hàng xóm sát vách nhà bà. Thuận mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ở với ông bà nội và các cô chú. Sau khi ông bà qua đời, nhưng không để lại di chúc, các cô chú bán chia nhau tài sản và quyết định không cho Thuận hưởng vì cho rằng, bố Thuận đã chết trước ông bà nên Thuận không có quyền gì đối với tài sản của ông bà để lại. Hơn nữa, Thuận đã hơn 20 tuổi, lại có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá. Thuận không đồng ý và nhiều lần hỗn với các cô, chú.

Biết được vụ việc, hòa giải viên Khuất Thị Hà cùng các hòa giải viên đã chủ động tìm hiểu nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn giữa Thuận và các cô, các chú. Biết rõ mâu thuẫn xuất phát từ việc tranh chấp về tài sản thừa kế do ông bà nội để lại, các hòa giải viên đã gặp gỡ từng bên để phân tích, thuyết phục.  

Đại diện Sở Tư pháp thông tin về việc hỗ trợ kinh phí cho các hòa giải viên cơ sở của huyện Thạch Thất
Đại diện Sở Tư pháp thông tin về việc hỗ trợ kinh phí cho các hòa giải viên cơ sở của huyện Thạch Thất

Với cô chú của Thuận, các hòa giải viên vận dụng quy định của pháp luật về thừa kế để phân tích. Do ông bà nội không để lại di chúc nên di sản thừa kế được phân chia theo pháp luật và bố của Thuận thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do bố của Thuận đã mất trước ông bà, nên Thuận là thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố của Thuận được hưởng nếu còn sống. Các hòa giải viên cũng khuyên các cô chú của Thuận nên gìn giữ tình cảm gia đình “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, không nên vì lợi ích vật chất mà làm cho mối quan hệ gia đình sứt mẻ.

Qua phân tích có tình, có lý của các hòa giải viên, họ đã hiểu ra và tự nguyện chia di sản thừa kế cho Thuận theo đúng quy định pháp luật. Về phía Thuận, các hòa giải viên cũng phân tích cho Thuận hiểu truyền thống gia đình Việt Nam là “kính trên nhường dưới”. Các cô chú đã nuôi dạy, Thuận phải biết ơn, hiếu thảo với các cô chú, đằng này chỉ vì không được chia thừa kế của ông bà mà có hành vi hỗn láo với các cô chú là không đúng đạo làm con. Nghe lời khuyên chí tình, chí lý của các hòa giải viên, Thuận đã xin lỗi cô chú về những sai sót của mình. Phần di sản ông bà để lại, Thuận chỉ lấy một phần coi như chút kỷ niệm của ông bà, phần còn lại giúp các cô chú nuôi dạy các em còn đang tuổi ăn, tuổi học. Mọi người trong gia đình Thuận đều vui vẻ và cảm ơn tổ hòa giải.

“Gương vỡ lại lành”

Một câu chuyện khác được hòa giải viên Khuất Thị Chiều - Chi Hội trưởng Hội phụ nữ thôn Cẩm Bào, xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất kể lại. Đó là câu chuyện của một gia đình do quan điểm sống, cách sống khác nhau mà thường xuyên cãi vã, sau khi các hòa giải viên vào cuộc, hiện tại gia đình ấy sống rất hạnh phúc, con cái chăm ngoan học giỏi. Câu chuyện ấy diễn ra từ đầu năm 2019, anh L và chị H lấy nhau được gần 15 năm, có 2 con đang tuổi đi học. Cuộc sống của gia đình anh chị lúc đầu lấy nhau rất khó khăn, anh L thường xuyên ăn nhậu cùng bạn bè, chị H suốt ngày đay nghiến, chì chiết. Cuộc sống gia đình nặng nề, hai vợ chồng thường to tiếng, xô xát. Nhiều hôm do say rượu không kiểm soát được bản thân anh lấy đồ đạc trong nhà đập phá.

Nhờ sự công tâm và nhiệt tình của các hòa giải viên, những mâu thuẫn dần được hóa giải
Nhờ sự công tâm và nhiệt tình của các hòa giải viên, những mâu thuẫn dần được hóa giải

Có hôm, làng xóm nghe thấy tiếng kêu la của chị H và tiếng khóc thất thanh của của những đứa con. Cảnh tượng trong gia đình là một nồi cơm, mâm cơm, canh cùng bát đũa chuẩn bị cho bữa cơm chiều bị anh L ném ra hết ngoài sân. Chị H đầu tóc rối bời, thu dọn tạm mấy bộ quần áo chạy về nhà mẹ đẻ gần đó. Hai con của anh chị một cháu gái 12 tuổi và cháu trai 8 tuổi, hai cháu mặt xanh mét sau tiếng hét của bố và không dám khóc và cũng không dám chạy theo mẹ về nhà bà ngoại.

“Thấy cảnh tượng như vậy, tôi dỗ hai đứa trẻ vào nhà ăn cơm, anh L lúc này mặt hằm hằm luôn miệng chửi vợ. Nhiều bà con làng xóm đến can ngăn và góp ý kiến với anh L không nên đánh vợ và trút giận lên các con. Tôi động viên cho hai cháu nhỏ ăn cơm và sau đó ngồi học, động viên hai cháu phải ngoan, học giỏi để làm động lực cho bố mẹ. Nhìn anh L lúc này bơ phờ, mệt mỏi, tôi động viên anh đi nghỉ” - hòa giải viên Khuất Thị Chiều kể lại.

Sau đó, hòa giải viên Khuất Thị Chiều đã đến nhà mẹ đẻ chị H gặp chị, chủ động chia sẻ, tâm sự những vấn đề cuộc sống mà phụ nữ gặp phải, không nên chửi bới, chì chiết chồng, trong người có hơi men thì càng khó bình tĩnh. Hai vợ chồng nên nói chuyện để thấu hiểu. Đồng thời, hòa giải viên cũng đến gặp anh L trao đổi, nói chuyện, anh L nhận ra lỗi và hứa sẽ cố gắng thay đổi bản thân. Cuối cùng hai vợ chồng anh L và chị H đã nhận ra lỗi của mình và hứa rút kinh nghiệm không để chuyện đó xảy ra một lần nữa. Sau 3 năm, cuộc sống của gia đình họ rất hạnh phúc, làm ăn kinh tế ngày càng phát đạt, hai con chăm ngoan, học giỏi, biết giúp bố mẹ việc nhà.