Hóa giải thách thức để phát triển bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đô thị Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức lớn, bởi sự phát triển được cho là quá “nóng” trong thời gian qua.

Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển cho tương lai. Tuy nhiên, tựu chung lại, có hai việc rất cần phải hóa giải - đó là quy hoạch và phong cách quản lý.

Xóa bỏ những tồn tại...

Đô thị Hà Nội trải qua một quá trình phát triển khá dài. Tính từ 1954 đến nay, Hà Nội đã 7 lần được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng. Mỗi quy hoạch đều thể hiện rõ vai trò là định hướng phát triển, là công cụ để quản lý trong từng giai đoạn.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã từng bước cụ thể hóa chiến lược phát triển đô thị theo mục tiêu đặt ra xanh - bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình ấy, đã và đang tồn tại nhiều vấn đề cần hóa giải. Theo phân tích của các chuyên gia đô thị, có mấy vấn đề sau: Thứ nhất, thiếu kinh nghiệm tổ chức bộ máy và quản lý đô thị hiện đại: Đặc điểm của các đô thị lớn và hiện đại là không gian rộng, dân số đông, mật độ cư trú rất cao, dân cư đa nguồn gốc, đa tầng lớp, đa văn hóa, đa tôn giáo, tín ngưỡng, đa trình độ dân trí... và là nền kinh tế phi nông nghiệp - đó là những đặc điểm khác biệt cơ bản so với nông thôn. Thế nhưng mô hình tổ chức bộ máy giống như chính quyền nông thôn và cũng phân cấp quản lý lãnh thổ. Chính vì sử dụng những bộ máy giống nhau để quản lý những vùng kinh tế - xã hội khác nhau nên bộc lộ nhiều bất cập. Chẳng hạn, cách xử lý tình huống an ninh, trật tự, vi phạm trật tự đô thị chưa kịp thời và thiếu triệt để tại khu vực giáp ranh. Ví dụ xử lý tình trạng bán hàng rong, phường A đẩy đuổi đến địa giới phường B lại dừng. 
Hóa giải thách thức để phát triển bền vững - Ảnh 1
Thứ hai, chưa đánh giá đúng mối quan hệ giữa mật độ, dân số đô thị và phát triển bền vững. Điều này đã gây ra không ít hệ quả từ áp lực đô thị tăng cao. Thể hiện rõ nhất là tình trạng ùn tắc giao thông, tồn đọng rác thải.

Thứ ba, chưa có phong cách lãnh đạo, quản lý đô thị hiện đại. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm phát triển bền vững của đô thị là sự đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, chính sách và quy định của chính quyền. Do đó tiếp xúc trực tiếp với Nhân dân là một trong những chức năng, trách nhiệm cơ bản của chính quyền đô thị.

Để hóa giải những tồn tại của đô thị Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, nhất thiết phải có một bộ máy quản lý chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ “tinh nhuệ”; thực hiện công việc công tâm... Có như vậy, mới hóa giải những xung đột về lợi ích, để không có thêm những chuyện về “đường cong mềm mại” ở Đống Đa, hay “con đường dát vàng” ở Long Biên. Đặc biệt, với sự đan xen những yếu tố lịch sử trong đô thị Hà Nội, quy hoạch phải bảo đảm đô thị phát triển bền vững giữa bảo tồn chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử với việc xây dựng các khu đô thị mới, giữa khu vực đô thị và nông thôn; gìn giữ và phát huy các giá trị tiêu biểu của các khu vực hình thái đặc thù của Thủ đô. 

... để Rồng đón ngọc

Trước yêu cầu xây dựng Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập sâu rộng. TP Hà Nội tiếp tục không ngừng nâng cao chất lượng quy hoạch. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vào năm 2011, đến nay, Hà Nội đã rà soát, điều chỉnh, phê duyệt, công bố hàng trăm quyết định liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị. Gần đây nhất là công bố hai đồ án quy hoạch phân khu đô thị GN (C) và GS (A) tỷ lệ 1/5000. Đây là hai phân khu đô thị có tính chất xanh của Thủ đô với không gian chủ yếu dành cho cây xanh, mặt nước. Rồi 4 quy hoạch Phân khu đô thị H2 - 1 được xác lập với diện tích 2.458ha, địa điểm tại các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ và Cầu Giấy. Phân khu đô thị H2 - 2 được xác lập với diện tích 2.624ha, địa điểm tại các quận: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và Hà Đông. Phân khu đô thị H2 - 3 được xác lập với diện tích 2.237ha, địa điểm tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì. Phân khu đô thị H2 - 4 được xác lập với diện tích 2.206ha, địa điểm tại các quận: Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì. 

Nhưng đáng chú ý nhất là trục Nhật Tân - Nội Bài được công bố tháng 3/2015, được quy hoạch theo ý tưởng “Rồng đón ngọc”, với kỳ vọng đây sẽ là đô thị hiện đại nhất Hà Nội. Vì thế, công tác quản lý, đầu tư xây dựng được các nhà quản lý, chuyên gia, dư luận đặc biệt quan tâm.

Theo quy hoạch được công bố, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài có quy mô 2.080ha, chiều dài toàn tuyến 11,7km, với điểm đầu là sân bay Nội Bài, điểm cuối là cầu Nhật Tân (riêng kinh phí dành cho GPMB đã lên đến khoảng 33.000 tỷ đồng). Để triển khai được thuận lợi, tháng 12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài). Trong đó, riêng về nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung được huy động từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn ODA, vốn xã hội hóa theo quy định hiện hành. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đối với từng dự án cụ thể, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm (kỹ thuật, tài chính và quản lý) để thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất; Căn cứ khu vực phát triển đô thị được phê duyệt, UBND TP Hà Nội thực hiện thẩm định, phê duyệt và chịu trách nhiệm đối với các dự án phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị...; Chủ tịch UBND TP Hà Nội tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng khung thuộc nhóm A.    

Lãnh đạo UBND TP nhấn mạnh, Đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài được lập trên ý tưởng tái hiện hình ảnh truyền thống Thăng Long - Hà Nội, với ý tưởng chính là “Rồng đón ngọc”, xương sống chính là tuyến đường cao tốc kết nối từ Sân bay về trung tâm TP, đầu Rồng quay về sông Hồng – Hồ Tây. Đây là cửa ngõ Việt Nam và thế giới, tạo hình ảnh tuyến đường có môi trường xanh bền vững với dải phân cách trải dài 2 bên và đan xen không gian cây xanh mặt nước tự nhiên. Về quy hoạch cụ thể, dự án được phân thành 4 đoạn. Mọi công việc, kể cả quản lý quỹ đất nằm trong quy hoạch đã được TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng quản lý thật chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm.

Một số kinh nghiệm từ các nước

Theo chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, mỗi nước đều có đặc thù trong quản lý đất đai xây dựng, nhưng cách làm của họ rất bài bản. Chẳng hạn, tại Pháp, Chính phủ đã áp dụng 3 chính sách chủ yếu cho công tác quản lý đất đô thị trên cơ sở quy hoạch đô thị được duyệt.
Hóa giải thách thức để phát triển bền vững - Ảnh 2
Thứ nhất, Chính phủ cho phép mua trước đất nhằm tránh những khó khăn phát sinh từ tình trạng khan hiếm đất dùng cho xây dựng nhà ở. Luật Quy hoạch quy định dành các khu vực dự trữ ưu tiên cho việc mua đất phục vụ xây dựng nhà ở nhằm tránh các cơn sốt của thị trường, ngăn chặn nguy cơ đầu cơ, đồng thời giải quyết việc tồn tại quá độ trong vòng 15 năm của các bất động sản nằm trong vùng dự trữ. Thứ hai, Chính quyền đô thị được mua trước những bất động sản của người có nhu cầu bán, làm quỹ dự trữ để chủ động cho việc thực hiện quy hoạch đô thị. Thứ ba, Chính phủ có sự phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương về đầu tư và phát triển đất xây dựng đô thị và thị trường bất động sản. Chính phủ có Ban thư ký về đô thị, là đầu mối giữa chính quyền T.Ư, chính quyền địa phương và các cơ quan hợp tác phát triển công cộng. Khi dự án được xác định, cơ quan hợp tác phát triển công cộng là tổ chức chịu trách nhiệm chuẩn bị đất đai và thực hiện xây dựng hạ tầng cho đô thị mới. Hội đồng liên tỉnh về phát triển đô thị là cơ quan quản lý xây dựng đô thị, xem xét các dự án cấp giấy phép và xây dựng các công trình trong đô thị mới... Việc xây dựng đô thị mới dựa vào hệ thống hành chính hiện có và các nguồn tài chính trong nước là chủ yếu, được hỗ trợ bởi một khung giá đất ổn định đảm bảo cho việc đầu tư lâu dài.

Còn tại Hàn Quốc, việc xây dựng đô thị mới được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Chính phủ và khu vực tư nhân, quản lý bởi Văn phòng phát triển đô thị mới trực thuộc Bộ Xây dựng. Cơ quan xây dựng hạ tầng đô thị là Tập đoàn phát triển đất Hàn Quốc, có trách nhiệm mua đất để xây dựng nhà ở bằng các khoản ứng trước của các nhà đầu tư và các khoản tín dụng. Tập đoàn thanh toán lại cho các nhà đầu tư bằng đất đã có hạ tầng tín dụng, được hỗ trợ bằng chính sách trưng mua đất đai trong các đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực trong nước, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tăng lên về nhà ở của các đô thị, thúc đẩy đô thị phát triển một cách có hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần