Hòa giải tranh chấp đất đai góp phần giảm khiếu kiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của Bộ TN&MT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai, nhưng nhìn chung đều xuất phát từ thói quen sử dụng đất của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, biện pháp hòa giải sẽ góp phần giải quyết những xung đột trong tranh chấp đất đai, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Từ thói quen không cắm mốc...

Thời gian qua, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp đất đai xuất phát từ thói quen sử dụng đất của người dân, như không cắm mốc ranh giới rõ ràng, quá trình canh tác bị sai lệch hoặc chuyển nhượng, cho tặng, cho mượn không làm đầy đủ các thủ tục hợp lệ. Trong năm 2013, Bộ TN&MT đã kết hợp với chính quyền địa phương hòa giải thành công trên 10 vụ tranh chấp đất đai, là những vụ việc phức tạp, kéo dài, chủ yếu tập trung ở một số dạng chính: Tranh chấp đất đai trong thân tộc; tranh chấp đất đai, ranh giới giữa các hộ sử dụng đất liền kề; tranh chấp đất đai giữa cơ sở tôn giáo với hộ gia đình, cá nhân; tranh chấp đất đai giữa cơ quan Nhà nước với hộ gia đình, cá nhân…
 Quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế dự án đất dịch vụ ở phường Dương Nội.    Ảnh: Đức San
Quận Hà Đông tổ chức cưỡng chế dự án đất dịch vụ ở phường Dương Nội. Ảnh: Đức San
 
Thực tế ở miền Bắc, xung đột đất đai chủ yếu tập trung ở tranh chấp ngõ, lối đi. Trong quá trình đo đạc thành lập bản đồ và kê khai đăng ký không làm rõ ngõ đi chung, ngõ đi riêng và ngõ đi công cộng, đã thống kê ngõ đi riêng của một hộ thành ngõ đi chung của hai hay nhiều hộ nên đã xảy ra tranh chấp giữa hộ có ngõ đi riêng với các hộ khác. Đây là trường hợp xảy ra phổ biến ở khu vực nông thôn.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các cơ quan chức năng đã gặp không ít khó khăn khi tìm chứng cứ để xác định tính khách quan của vụ việc do thời gian tranh chấp kéo dài, hồ sơ không đầy đủ; thậm chí, có nhiều trường hợp phải suy đoán theo lập luận của các bên. Từ đó, phát sinh khiếu kiện vượt cấp, đơn gửi nhiều nơi, qua nhiều cấp giải quyết mà các bên vẫn khiếu nại, nếu không giải quyết kịp thời thì "chuyện bé xé ra to". Từ các tranh chấp thuần túy về kinh tế, dân sự, có thể trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ người dân, trở thành những điểm nóng kéo dài, thậm chí có nơi còn xảy ra ẩu đả, gây thiệt hại về người và tài sản.

Mới đây, Bộ TN&MT đã hòa giải thành công vụ việc tranh chấp 15.000m2 đất ông cha để lại giữa chi của ông Nguyễn Văn Ta và chi của ông Nguyễn Văn Hoàng thuộc gia tộc họ Nguyễn tại phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh kéo dài 15 năm, và vụ việc tranh chấp 1.000m2 đất tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh giữa 2 cô cháu trong dòng họ là bà Huỳnh Thị Phát và ông Huỳnh Văn Phước kéo dài gần 20 năm.

Bảo đảm quyền lợi cho người dân    

Hòa giải tranh chấp đất đai đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013 (Điều 202): Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu tranh chấp đất đai mà các bên không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình. Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. 

Để nâng cao hiệu quả hòa giải tranh chấp đất đai, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Thanh tra Bộ TN&MT đã đề nghị Bộ TN&MT xem xét, nghiên cứu ban hành cẩm nang quy trình hòa giải tranh chấp đất đai, làm cơ sở để công tác hòa giải tranh chấp ở các địa phương ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, nên áp dụng công thức hòa giải tranh chấp đất đai là: Quyền lợi chính đáng của người dân - người có quyền quyết định đứng ra hòa giải - phương pháp hòa giải khoa học. Trong đó, quyền lợi của người dân mang tính quyết định, là căn nguyên cơ bản của mọi tranh chấp. Bên cạnh đó, người có thẩm quyền quyết định, có vị thế xã hội trực tiếp đứng ra hòa giải cũng mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi mọi sự việc dù đơn giản hay phức tạp đến đâu, tài liệu, chứng cứ có đầy đủ đến mấy, nhưng cuối cùng vẫn lệ thuộc vào sự đánh giá, nhận định của người nắm giữ pháp luật. Những ai có động cơ trong sáng, có phương pháp khoa học, khách quan thì nhận định, đánh giá sự việc hoàn toàn đúng với bản chất đích thực của nó, từ đó đi đến kết luận, hòa giải phù hợp với pháp luật, với đạo lý sẽ hạn chế được việc người dân khiếu nại, khiếu kiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần