Hoa Kỳ và Việt Nam khởi động Dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự án bảo vệ các hệ sinh thái ven biển quan trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ngành thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái ven biển, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Ngày 15/3, tại Kiên Giang phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Thủy Sản, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức lễ khởi động Dự án Bảo vệ Hệ sinh thái ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt Dự án).

Hoa Kỳ và Việt Nam cùng khởi động dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển. (Ảnh Hữu Tuấn)
Hoa Kỳ và Việt Nam cùng khởi động dự án bảo vệ hệ sinh thái ven biển. (Ảnh Hữu Tuấn)

Theo đó, với ngân sách 2,9 triệu đô la Mỹ, trong đó gần 1,8 triệu đô la Mỹ dành cho hoạt động, dự án tập trung hỗ trợ giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng như tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của vùng ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng bằng sông Cửu Long và các hệ sinh thái ven bờ là nơi tập trung của 70% rừng ngập mặn và 90% diện tích thảm cỏ biển tại Việt Nam. Được bồi đắp bởi trầm tích và chất dinh dưỡng từ sông Cửu Long, khu vực này trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lợi thủy sản phong phú nhất tại Việt Nam, tạo sinh kế cho cộng đồng ven biển; đồng thời giảm tác động của thiên tai.

Thả cá phát triển nguồn lợi thủy sản. (Ảnh Hữu Tuấn)
Thả cá phát triển nguồn lợi thủy sản. (Ảnh Hữu Tuấn)

Tuy nhiên, những khu vực sinh cảnh này và nhiều loài thủy sản có giá trị thương mại quan trọng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, gây tác động lâu dài đến sinh kế và cuộc sống nơi đây. Các vùng ven biển tại Việt Nam đang chịu áp lực lớn do tình trạng khai thác quá mức và phát triển chưa theo quy hoạch.

Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cho biết: Dự án góp phần thúc đẩy ưu tiên chung của USAID với Việt Nam nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đóng vai trò rất quan trọng nhưng ngày càng dễ bị tổn thương, đồng thời đóng góp vào quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.

Quan điểm phát triển ngành thủy sản là theo định hướng thị trường, thân thiện với môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân…đã được xác định tại Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho hay.