Hòa mình vào những điệu múa dân gian truyền thống Ấn Độ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm mùng 4 và mùng 5 Tết Bính Thân (ngày 11 và 12/2) tại Công viên Châu Á (Asia Park), TP Đà Nẵng đã diễn ra chương trình múa dân gian Manipuri đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ Ấn Độ biểu diễn.

Để tạo không khí vui xuân cho người dân và du khách, từ 29/1 đến 21/2 (tức 20 tháng Chạp đến 14 tháng Giêng) Asia Park tổ chức Lễ hội Hạt Ngọc trời với hàng loạt các hoạt động, trò chơi cùng các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

 
Múa dân gian truyền thống Ấn Độ
Múa dân gian truyền thống Ấn Độ
Trong tâm thức người Việt, hạt gạo không chỉ là lương thực mà còn kết tinh của trời đất, là “hạt ngọc trời” cô đọng mồ hôi công sức người nông dân đổ trên đồng ruộng. Tại Châu Á, hạt gạo gắn liền với cuộc sống, là nguồn lương thực chính, hiện diện trong bữa cơm hàng ngày. Để cầu mong cho một năm mưa nắng thuận hòa, mùa màng trù phú, hàng năm người dân các nước Châu Á tổ chức nhiều lễ hội về lúa gạo, có thể kể đến như lễ hội trồng lúa Nhật Bản, lễ hội mừng lúa mới Hàn Quốc, lễ vun thóc ở Lào hay lễ hội thờ thần lúa ở nhiều nước Đông Nam Á khác. Ở Việt Nam, người dân nhiều nơi tổ chức lễ Tịch Điền (lễ cày ruộng) vào ngày đầu năm để cầu mong năm tới làm ăn yên ổn và tỏ lòng trân trọng con trâu, con bò, cái cày, cái cuốc – những người bạn đã gắn bó thân thiết với nhà nông.

Nhằm giới thiệu những nét văn hóa đó tới đông đảo người dân và du khách Đà Nẵng, Lễ hội Hạt Ngọc trời tại Asia Park tái hiện sinh động câu chuyện về quy trình làm ra hạt gạo – từ công đoạn ươm mầm đến khâu gieo cấy, xay giã, giần sàng - biết bao khó nhọc để có được những hạt gạo trắng ngần, bát cơm thơm dẻo.

Đến với Lễ hội Hạt Ngọc trời, du khách còn được đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật mang đậm nét văn hóa Á Châu như biểu diễn trống Nhật, đi cà kheo, âm nhạc đường phố, múa rối bóng, trang phục truyền thống Châu Á… Đặc biệt, từ ngày 11 – 13/2/ sẽ diễn ra chương trình múa dân gian Manipuri đặc sắc do các nghệ sỹ đến từ Ấn Độ biểu diễn.

Chương trình múa dân gian Manipuri do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức nhằm mang lại cho người dân cũng như du khách Đà Nẵng hiểu thêm về văn hóa và phong tục của người Ấn Độ. Khán giả không những được chiêm ngưỡng những điệu múa hay, sôi động mà còn cảm nhận được cả một nền văn hóa ẩn sâu trong từng nhạc cụ, từng giai điệu, từng động tác múa của các nghệ sỹ đến từ đất nước này.

 
Hòa mình vào những điệu múa dân gian truyền thống Ấn Độ - Ảnh 1

Ông Amardeep K. Barnwal-  Tùy viên Văn hóa và giáo dục Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ: “ Chúng tôi đã lựa chọn ra những nghệ sỹ, những tiết mục hay nhất, đặc sắc nhất để biểu diễn trong chương trình nhằm giúp mọi người hiểu hơn về nền văn hóa, phong tục cũng như nghệ thuật múa dân gian truyền thống Ấn Độ. Hy vọng rằng, người dân Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung sẽ đón nhận và yêu thích chúng.”.

Múa dân gian truyền thống Ấn Độ không chỉ là một môn nghệ thuật đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc sắc đã đi sâu vào máu thịt của người dân ở đất nước sông Hằng; người nghệ sỹ không chỉ là người biểu diễn những kĩ thuật múa điêu luyện mà còn là người chuyển tải nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc họ thông qua từng chuyển động cơ thể. Từng điệu múa chuyền tải từng ý nghĩa thông điệp khác nhau, mang đến cho người xem những cung bậc cảm xúc khi thì nhộn nhịp vui tươi trên nền nhạc trống được đánh bằng tay, khi thì nhẹ nhàng sâu lắng với những điệu nhạc kèn và dannia.   

Ông Labeyrie Yoes - một du khách người Pháp vui vẻ cảm nhận: “Tôi cảm giác như mình được sống, được hòa mình vào trong từng câu chuyện mà mỗi điệu múa chuyền tải, nó thật tuyệt vời và cũng thật sâu sắc. Mong rằng những chương trình như thế này sẽ được biểu diễn ở nước tôi hay các nước khác trên Thế giới để mọi người có thể hiểu và yêu quý hơn nghệ thuật cũng như nền văn hóa của đất nước Ấn Độ”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần