Khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Thành Công (Ba Đình), Nam Đồng (Đống Đa), Hàng Bè (Hoàn Kiếm) cho thấy, những ngày gần đây giá bán cam quýt, bưởi tăng 30-40% so với tuần trước. Cụ thể, giá cam sành khoảng 2 tuần trước chỉ dao động quanh mức 35.000-45.000 đồng/kg, nay được bán với giá 50.000-60.000 đồng/kg, với quả cỡ to giá lên đến 70.000 - 75.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Thái, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Nam Đồng chia sẻ, giữa tháng Hai, chị nhập cam sành Hà Giang với giá 19.000 đồng/kg, nhưng hiện giá mua buôn đã tăng gần như gấp đôi, mặc dù giá tăng nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Tương tự, thời điểm giữa tháng Hai, mặt hàng quýt Hòa Bình chỉ 16.000 đồng/kg thì nay lên tới 40.000-45.000 đồng/kg, cá biệt có một số nơi còn vọt lên 60.000 đồng/kg.
Không chỉ chợ truyền thống, tại các siêu thị mặt hàng cam, quýt cũng tăng giá. Tại các siêu thị Big C Thăng Long, Vinmart hiện quýt đường có giá 53.000 đồng/kg, cam xanh 47.000 đồng/kg. Trên các kênh mua sắm online giá bán mặt hàng cam, quýt cũng tăng mạnh, hiện giá cam sành Hà Giang, Tuyên Quang được rao bán từ 40.000-60.000 đồng/kg tuỳ loại, quýt Hòa Bình 45.000-70.000 đồng/kg.
Mặc dù giá tăng cao nhưng sức tiêu thụ cam quýt lại không hề giảm, chị Minh Thúy tiểu thương kinh doanh hoa, quả tại chợ Thành Công cho biết, những ngày vừa qua trung bình 1 ngày tiêu thụ 1 tấn cam, có như vậy là bởi đa phần khách hàng không mua lẻ với số lượng ít mà chủ yếu mua từ 3-5 kg, có người lấy đến 10 kg để ăn dần. “Một xe cam sành Hà Giang 3,5 tấn, chỉ bán trong vòng 2-3 ngày đã không còn hàng để giao cho khách”- chị Hòa tiết lộ.
Chia sẻ nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ cam, quýt tăng mạnh chị Đào Thị Hằng ở phố Trần Hữu Tước (Đống Đa) cho hay, vì nhà có cả F0, F1 nên gia đình ưu tiên ăn cam quýt để cơ thể tăng cường thể chất. “Mặc dù giá bán cam, quý đã tăng gần 2-3 lần so với cách đây nửa tháng nhưng tôi vẫn mua khoảng 5 kg cam để cả nhà dùng dần”-chị Hằng nói.
Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng cam, quýt liên tục tăng giá những ngày qua, các tiểu thương có chung ý kiến, thời điểm này đã cuối vụ thu hoạch cam sành Hà Giang, cam Cao Phong, quýt Ôn Châu (Hòa Bình) nên nguồn hàng không còn nhiều, giá bán buôn cũng tăng tới vài giá.
Bên cạnh đó, những ngày gần đây giá xăng dầu nhảy vọt khiến chi phí vận chuyển tăng nên giá bán ra cũng phải tăng tương ứng nếu không sẽ lỗ vốn. Đặc biệt, gần đây số ca nhiễm Covid-19 tăng cao nên các gia đình đều chọn mua cam, quýt về ăn bổ bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng khiến cung không đủ cầu, giá bán bị đẩy lên cao.