Bệ phóng cho hành trình nghệ thuật
Họa sĩ Chu Nhật Quang sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội của anh là NSND Chu Mạnh Chấn - họa sĩ tài ba có niềm đam mê sâu sắc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Bố anh là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Trong ký ức của Chu Nhật Quang, những năm tháng tuổi thơ luôn gắn liền với tiếng mài tranh ken két, mùi sơn ta nồng nồng và hình ảnh ông nội cần mẫn, tỉ mỉ xếp từng mảnh vỏ trứng, từng lá vàng, lá bạc lên bề mặt tranh. Không chỉ được ngắm nhìn, anh còn được trực tiếp tham gia vào những công đoạn nhỏ của quy trình sáng tạo. Chính những trải nghiệm ấy đã giúp Quang hiểu sâu sắc về sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và yêu cầu khắt khe mà nghệ thuật sơn mài đòi hỏi.
Anh nhớ lại: "Tôi từng ngồi hàng giờ đồng hồ để xem ông nội làm việc, lặng lẽ quan sát cách ông sắp xếp từng chi tiết nhỏ. Điều đó không chỉ giúp tôi hiểu thêm về kỹ thuật mà còn dạy tôi về sự kiên nhẫn và lòng kính trọng đối với nghệ thuật".
Bên cạnh ông nội, bố của Chu Nhật Quang – NSƯT Chu Lượng cũng có ảnh hưởng lớn đối với anh trong việc cảm nhận và thấm đượm chiều sâu văn hóa truyền thống. Qua những lần theo chân bố đứng sau cánh gà, cậu bé Quang ngày ấy đã bị mê hoặc bởi sự sống động của hàng trăm con rối, bởi những chuyển động tinh tế và nhịp điệu uyển chuyển trong không gian nghệ thuật đầy sáng tạo. Sự kỳ diệu của loại hình này không chỉ đánh thức trong Quang niềm tự hào mãnh liệt về bản sắc dân tộc mà còn gieo mầm tình yêu với những giá trị di sản văn hóa truyền thống.
"Lớn lên trong môi trường giàu truyền thống như vậy, tôi cảm thấy biết ơn vì có cơ hội tiếp xúc với các giá trị văn hóa ngay từ nhỏ. Đó là lợi thế mà ít nghệ sĩ nào có được" - họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ.
Tất cả trải nghiệm ấy đã tạo thành một "thư viện sống" quý giá trong tâm hồn Quang, giúp anh hình thành tư duy sáng tạo và xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường nghệ thuật sau này. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc kế thừa và phát huy truyền thống, Chu Nhật Quang còn nhận thức rằng, để nghệ thuật sơn mài có thể tồn tại, phát triển, cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ để thích ứng và cất lên tiếng nói trong bối cảnh hiện đại.
Áp dụng tư duy phương Tây
Họa sĩ Chu Nhật Quang từng có 5 năm học hội họa tại trường Santa Ana, California (Mỹ), tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Australia). Anh cho biết, chính những tháng ngày đi du học đã cho anh nhiều trải nghiệm. Vì vậy, tư duy hội họa của anh giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Dù đã tiếp xúc với nhiều chất liệu mới như acrylic hay sơn dầu, Chu Nhật Quang vẫn giữ nguyên vẹn một tình yêu mãnh liệt dành cho tranh sơn mài, loại hình nghệ thuật mang đậm hồn cốt Việt Nam.
Anh chia sẻ: "Sơn mài có một chiều sâu mà tôi chưa từng tìm thấy ở bất kỳ chất liệu nào khác. Quá trình mài từng lớp sơn để lộ ra màu sắc, kết cấu giống như đang tìm kiếm bản chất thực sự của chính mình". Chính quá trình tìm tòi không ngừng nghỉ này đã dẫn anh đến những thử nghiệm sáng tạo vượt ra ngoài giới hạn của sơn mài truyền thống.
Từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập tại phương Tây, Chu Nhật Quang đã kết hợp tinh hoa của kỹ thuật hội họa hiện đại với nét đẹp truyền thống của sơn mài Việt Nam. Anh mang đến làn gió mới cho nghệ thuật này bằng việc sử dụng các gam màu tươi sáng, táo bạo, đồng thời sáng tạo nên những cách pha màu độc đáo. Thay vì trung thành với sắc thái trầm mặc, cổ điển đặc trưng của sơn mài truyền thống, Chu Nhật Quang đã tạo ra các tác phẩm sống động, giàu cảm xúc, phản ánh tinh thần thời đại nhưng vẫn giữ trọn bản sắc Việt.
Một trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo trong các tác phẩm của họa sĩ Chu Nhật Quang là việc sử dụng đến 20 lớp sơn, gấp đôi so với phương pháp thông thường. Mỗi lớp sơn được pha trộn với các chất liệu sáng tạo như vỏ tôm, vỏ ốc, vỏ bào ngư... và được thử nghiệm với các phản ứng hóa học độc đáo để tạo ra hiệu ứng mới lạ. Nhờ vậy, các tác phẩm của anh không chỉ đạt được chiều sâu cuốn hút, sự bóng mịn hoàn hảo mà còn có độ chuyển màu tinh tế, thay đổi theo từng khoảnh khắc bởi độ lắng của sơn ta.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: “Với sự kế thừa và phát triển nghệ thuật từ gia đình, Chu Nhật Quang đã đóng góp vào sự đa dạng và phong phú của nghệ thuật sơn mài hiện đại, thể hiện sự hòa quyện giữa truyền thống và đương đại. Những tác phẩm của anh mang đến cho khán giả những trải nghiệm thẩm mỹ đầy mới lạ và sâu sắc”.
Bên cạnh việc sáng tạo, họa sĩ Chu Nhật Quang còn rất quan tâm đến việc truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ tìm hiểu và gìn giữ di sản nghệ thuật quý báu này.
Triển lãm "Dấu thiêng" tại Hoàng thành Thăng Long, nơi trưng bày 52 bức tranh tái hiện sinh động cảnh sắc quê hương và vẻ đẹp các di sản văn hóa, là minh chứng rõ nét cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của anh. Điểm nhấn của triển lãm, cũng là tác phẩm anh thấy tự hào nhất là bức tranh khổng lồ cùng tên "Dấu thiêng". Tác phẩm có kích thước 1,8 x 4,2m, nặng gần 5 tạ, được hoàn thiện sau ba năm miệt mài lao động.
Tiếp nối thành công từ triển lãm "Dấu thiêng", họa sĩ Chu Nhật Quang đang tập trung hoàn thiện loạt tác phẩm sơn mài khổ lớn, lấy cảm hứng từ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện chiến thắng 30/4/1975. Những tác phẩm này được kỳ vọng sẽ ra mắt công chúng tại TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời góp mặt trong chuỗi sự kiện chào mừng 80 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2025) tại Thủ đô Hà Nội.