Họa sĩ Đào Hải Phong: Không đi trên con đường đã rải đầy hoa hồng

An Thanh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 8/2022, Đào Hải Phong nằm trong nhóm 12 họa sĩ Hà Nội có tranh triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nhân dịp cuối năm ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn mua 2 tác phẩm, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông ngay tại phòng tranh E3 Lê Thanh Nghị. Đây là căn nhà tập thể 5 tầng lắp ghép, nơi ông đã gắn bó từ năm 1983 đến nay.

Họa sĩ Đào Hải Phong.
Họa sĩ Đào Hải Phong.

Hà Nội trong tôi

Trước hết chúc mừng họa sĩ vừa vinh dự được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chọn mua 2 tác phẩm. Xin hỏi, trong 2 năm đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến sáng tác của ông và các họa sĩ Hà Nội khác?

- Với những họa sĩ đã có thể kiếm sống bằng nghề sáng tác thì không ảnh hưởng về kinh tế, nhưng giới kinh doanh tranh, họa sĩ trẻ thì có, thậm chí ảnh hưởng rất nhiều. Nhưng là con người, trước những mất mát quá lớn của đồng loại đã để lại cho tôi nhiều thay đổi, suy nghĩ về cuộc đời, anh xem bức tranh tôi vừa hoàn thành (Hoàng hôn tím - sơn dầu, 80cm x 100cm) đã có một sự thay đổi đáng kể. Sau dịch Covid-19, một nhân sinh quan mới xuất hiện trong giới họa sĩ, trong đó có tôi. Nói thật, giờ tôi cũng không hề sân si với những người chép tranh lậu nữa, đời vốn vô thường, sống là để yêu thương.

Là con trai của họa sĩ, NSND Đào Đức (1928 - 2007) nổi tiếng, ông nội của ông cũng là người vẽ rất đẹp. Vậy ông đã học được điều gì ở bố và ông của mình?

- Bố tôi tốt nghiệp khóa Mỹ thuật kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1949 do danh họa Tô Ngọc Vân giảng dạy. Ông trở thành họa sĩ thiết kế đầu tiên của phim truyện Việt Nam và cả cuộc đời gắn bó với điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến, họa sĩ Đào Đức tham gia thiết kế mỹ thuật cho rất nhiều bộ phim nổi tiếng thời chiến như "Chung một dòng sông", “Chị Dậu”, “Đến hẹn lại lên”, “Mối tình đầu”… Thậm chí, nhiều người trong giới chuyên môn nói rằng, chính những thành công trong lĩnh vực điện ảnh đã vô tình che lấp những giá trị lớn trong hội họa của ông.

Tôi được thừa hưởng ở bố tôi một quan niệm thẩm mỹ tốt, cùng truyền thống nghề vẽ của gia đình nhưng vẫn quyết tâm chọn cho mình một lối đi riêng. Thực tế, tôi đã học Đại học Sân khấu - Điện ảnh và làm nghề thiết kế mỹ thuật tại Xưởng phim Truyện Việt Nam hơn 10 năm, cuối cùng tôi nhận ra, mình không thuộc về điện ảnh mà là hội họa. Ngay trong hội họa, tôi cũng đã cố tìm lối đi riêng, bởi nếu theo con đúng đường của bố tôi chắc chắn tôi sẽ không có được như ngày hôm nay.

Là người gắn bó với Hà Nội nhiều năm, vậy Hà Nội trong tranh của ông được thể hiện như thế nào?

- Tôi thích nhất Hà Nội với cảnh mùa Thu lá rụng và những chiều Đông, trong cái co ro giá buốt, khung cảnh tĩnh lặng gợi nhớ cho tôi về những khát khao trong quá khứ. Thèm một vòng tay ấm của người bạn gái, bắp ngô nướng… Một Hà Nội rất cũ, rất đời mà ai cũng có thể bắt gặp.
Từng mái nhà, ô cửa, bờ đê, con phố của Hà Nội đã ngấm trong máu thịt và tôi vẽ Hà Nội trong trí tưởng tượng của mình, chứ nó không phải là tả thực lại, minh họa lại nét sống nào đó của Thủ đô. Nên tranh của tôi, bất cứ ai xem, cũng có thể thấy con phố mà mình đang sống, hình ảnh một Hà Nội - kinh kỳ Thăng Long với những nét đặc trưng vốn có. Hà Nội trong tranh tôi không rõ về mặt không gian, thời gian và địa điểm nhưng rõ nhất, nét nhất chính là thể hiện được sự bình yên vốn có, nơi chốn để người ta tìm đến, trở về.

Dấu ấn cuộc đời

Đến giờ ông đã có hàng chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước, tranh bán đắt hàng. Phong cách tranh sơn dầu của Đào Hải Phong trầm mặc nhưng lại có tính gợi mở cao. Bút pháp hội họa của ông được giới chơi tranh sành điệu ở nước ngoài ưa thích. Ông có thể kể về dấu ấn kỷ niệm lớn nhất trong 33 năm cầm cọ?

- Trong quá trình hơn 30 năm lao động nghệ thuật, tôi là người gặp may mắn, tổ chức được hàng chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước: Thái Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Anh… Tranh của tôi còn có trong phòng nhà cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton. Nhưng tôi sẽ không quên nhà buôn tranh Roy Miles, người Anh, đây có thể nói là một trong ba người ảnh hưởng nhất đến con đường nghệ thuật của tôi.

Ban đầu, ông đến Việt Nam (1984) để tìm mua tranh của các danh họa nổi tiếng như Nguyễn Thụ, Diệp Minh Châu, Lương Xuân Nhị, Phan Kế An, Văn Đa và tất nhiên có bố tôi, họa sĩ Đào Đức. Nhưng không hiểu sao tranh của tôi - họa sĩ vô danh lúc ấy lại lọt vào mắt xanh của một nhà buôn tranh nổi tiếng đã từng bán cho cựu Thủ tướng Anh Thatcher bức tranh với giá 54.000 bảng Anh. Định mệnh chăng?

Tôi nhớ ông chủ gallery lớn của châu Âu ấy đã mua tất cả số tranh của tôi với giá 6.400 USD, tác phẩm đắt nhất không quá 450 USD. Giờ đây, trong số đó có những bức tranh được gallery Singapore bán với giá kỷ lục 25.000 USD. Nhưng với tôi, Roy Miles là một quý nhân, chính ông có lời khuyên tôi nên theo đuổi tranh sơn dầu. Sau này, tôi có sang Anh tìm đến địa chỉ gallery ấy để mong gặp ông, nhưng Roy Miles đã chuyển đi. Thật đáng tiếc!

Dường như ông chỉ gắn bó với tranh sơn dầu và đề tài phong cảnh, cùng gam màu xanh, đen thưa “Mr Blue” ( tên hiệu do họa sĩ Lê Thiết Cương đặt), dù ông tuổi Tỵ (1965) mệnh Hỏa. Tại sao vậy, thưa họa sĩ?

- Một câu hỏi khá thú vị, trước hết là tranh sơn dầu phù hợp với phong cách hội họa của tôi hơn. Tôi có thử nghiệm khá nhiều thể loại khác, trong đó có sơn mài nhưng do dị ứng sơn ta, nên tôi thôi. Tranh của tôi nếu thoạt nhìn tưởng đơn giản, ít vấn đề, song khi ngắm kỹ, bạn sẽ thấy nó hàm chứa cách làm việc có hệ thống, logic và đời sống tâm lý rất phức tạp. Tôi ưa dùng gam màu tĩnh, chủ yếu là xanh, đen vì đó là cảm xúc có từ trong suy tưởng của tâm hồn tôi, phải gam màu ấy mới là tranh của Đào Hải Phong. Cũng như âm nhạc, tôi thích Phú Quang, Trịnh Công Sơn, đơn giản thế thôi!
Về đề tài, tôi có vẽ người, nhiều nhất là chân dung vợ tôi; thậm chí cả vẽ nude nhưng đó chỉ là những phút cảm hứng bất chợt. Tôi thấy bố tôi nói đúng, không phải nhất thiết phải vẽ người thì mới thành công, tôi thích vẽ phong cảnh, thả hồn mình vào đấy.

Ông có thể chia sẻ thêm với bạn đọc Kinh tế & Đô thị về xu thế hội họa đương đại hiện nay?

- Tôi cho rằng người Việt ta đã bắt đầu chơi tranh nhiều hơn, đó là điều đáng mừng, nhưng cái đẹp thị hiếu vẫn cũ hơn so với thế giới. Trong khoảng 1.000 bức tranh tôi đã sáng tác cũng chỉ bán độ 10% trong nước, còn phần lớn bán ra nước ngoài là vì thế. Về sáng tác, các họa sĩ trẻ đã ứng dụng công nghệ mới nhiều hơn nhưng điều đó chỉ tốt khi design, đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự chia sẻ cảm xúc giữa người với người nên vẫn rất cần dấu ấn cá nhân.
Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!