Chân dung Họa sĩ-Liệt sĩ Hà Xuân Phong
Họa sĩ Hà Xuân Phong sinh năm 1937, quê ở làng chài Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng. Hà Xuân Phong là người có tài cắt tóc. Từ năm 10 tuổi, khi tham gia khiếu sinh quân, ông học được nghề cắt tóc từ các anh lớn. Và ai cũng tấm tắt công nhận ông cắt tóc rất khéo. Điều không ngờ, chính từ tài lẻ đấy mà ông lại bén duyên với hội họa. Năm 1958, nghe tin ở nhà tù Phú Lợi bọn Mỹ - Diệm đã giết hại nhiều đồng chí ta bằng thuốc độc, ông tranh thủ lúc rảnh rỗi đã vẽ một bức tranh áp phích tố cáo.
Nhà thơ Tố Hữu là người phát hiện tài năng của Hà Xuân Phong và khuyên ông nên theo con đường hội họa. Và thế là ông lên đường ra nước ngoài học hội họa dưới sự giúp đỡ của nhà thơ Tố Hữu. Ông học hội họa tại trường Đại học Nghệ thuật Ukraina. Về nước 1968, ông xin về chiến trường Quân khu 5, công tác ở Hội văn nghệ giải phóng Khu 5. Từ ngày đó, trên những chặng đường đi qua, ông cố gắng phác họa lại những gì mình chứng kiến. Mỗi bức tranh ông vẽ là một khung cảnh thật về cuộc sống sinh hoạt của đồng đội, người dân và cả những lúc mưa đạn chiến tranh.
Người họa sĩ đa tài nhưng đoản mệnh! Ngày 17/11/1974, trên đường công tác, khi vượt sông Trà Nô, Hiệp Đức, Quảng Nam, ông đã hi sinh. Gia tài ông để lại là hàng trăm bức kí họa chiến trường còn ẩn chứa cả khát khao về những tác phẩm hội họa lớn chuyển từ kí họa sang. Và những tác phẩm này hiện đang được lưu giữ bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.
Nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2019), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức triển lãm 64 bức kí họa của Họa sĩ-Liệt sĩ Hà Xuân Phong với chủ đề “Kí ức chiến trường” để tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường của thế hệ cha ông đi trước.
Ký ức chiến trường - Bức tranh chân thực về một thời oanh liệt
64 bức kí họa của Liệt sĩ-Họa sĩ Hà Xuân Phong được đặt ở vị trí trang trọng tại tầng trệt của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Những bức kí họa được chia làm hai loại: Kí họa được vẽ bằng bút sắt hay bút chì và kí họa được vẽ bằng màu nước. Những bức kí họa được họa sĩ Hà Xuân Phong vẽ trên đường đi tác chiến ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Kí họa của ông là những thước hình chân thật nhất về cuộc kháng chiến của quân và dân ta trong thời kì chiến lửa đạn.
Nhân vật trong những bức kí họa là những em bé, bà mẹ, người đồng chí mà họa sĩ Hà Xuân Phong đã gặp trên các nẻo đường hành quân. Nhà thơ Thanh Quế từng viết: “Hà Xuân Phong vẽ rất nhiều đề tài nhưng theo tôi thành công nhất của anh là vẽ hình ảnh những bà mẹ, những em bé. Tay bút của anh như run rẩy, xúc động khi vẽ mảng tranh này. Có lẽ khi vẽ, anh chợt nhớ lại hình ảnh của mẹ anh ở vùng biển quận 3, Đà Nẵng nơi còn lố nhố bóng giặc. Anh xa mẹ đã lâu, chưa hẹn ngày về gặp mặt... Những em bé trong tranh của anh hồn nhiên mà trang nghiêm... Đó là những em bé giao liên, canh hầm bảo vệ cho cán bộ, bộ đội, ta vẫn gặp trên những nẻo đường đánh giặc”.
Kí họa ''Mẹ Kết xã Mỹ Thắng tỉnh Bình Định kiên cường trụ bám nuôi bộ đội, cán bộ miền Trung 5 tháng chống Mỹ''. |
Trên đường công tác, họa sĩ Hà Xuân Phong tranh thủ thời gian nghỉ ngơi dọc đường để kí họa lại từng khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc, có khi là khoảnh khắc yên bình lặng nhìn cuộc sống sinh hoạt của người dân, lại có lúc là thời khắc khốc liệt dưới mưa đạn kẻ thù của những bộ đội cụ Hồ. Khi ngắm nhìn những kí họa của Họa sĩ- Liệt sĩ Hà Xuân Phong, người từng qua chiến tranh như sống dậy kí ức một thời gian khổ nhưng oanh liệt của quân dân Việt Nam, người chưa từng kinh qua đau thương chiến tranh lại cảm được một tinh thần kiên cường của cha anh vì hai chữ “bình yên” cho mai sau.
Những ai yêu mỹ thuật, đặc biệt về kí họa, thì có thể đến Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng số 78 Lê Duẩn, Đà Nẵng để thưởng lãm. Triển lãm “Kí ức chiến trường” kéo dài đến hết ngày 30/7/2019.