Công việc hại cô rồi. Những loại phấn son tô điểm, những buổi ngồi cả giờ đồng hồ cho học viên trang điểm kẻ vẽ, thoa lên khuôn mặt mười bảy tuổi đủ thứ chất độc được gọi bằng cái tên khá nhu mì là mỹ phẩm. Không ai đong đếm trong bao nhiêu thứ rẻ tiền ấy còn được mấy phần trăm lương thiện. Chắc lẽ những cô cậu học việc kia cũng chẳng có dã tâm hại cô đâu. Tại phấn tại chì tại son và cả Macka xách tay. Cô từng sợ từng ghê. Nhưng muốn đỡ đần mẹ thì buộc lòng chấp nhận. Giá cha cô đừng bạo hành trong những năm tháng bạc nhược, trút giận dữ vô cớ xuống đời mấy mẹ con cô thì chắc hẳn ông đã đi làm để nuôi gia đình. Đứa con gái như cô đã chẳng phải chìa cái mặt mình ra để người khác bôi trát những thứ son phấn quá đát độc hại. Chừng hai giờ làm mẫu mặt cô được nhận năm mươi nghìn đồng. Mới nghe thì xứng đáng nhưng về lâu dài thì bèo bọt quá. Tiền nhận được lắm khi cô dành để biếu người cha, đổi lại ông bớt động đến roi vọt. Khổ nỗi ông dành tiền nhậu nhẹt. Vỏ lon bia vỏ chai rượu nằm càng nhiều thì chúng càng làm cha cô mất trí, càng xui khiến ông dã man như con quỷ lấy đau đớn của người khác làm thú tiêu khiển.
Mắt cô sẫm màu u tối. Tâm trí cô chìm vào một vùng đau vô định, mê man.“Đan Tâm ơi, lại lỡ tay làm rơi vỡ gương rồi hả?”. Người mẹ xót con hiểu tâm trạng bời bời hụt hẫng khổ đau của nó, nên nói lảng đi. Bà biết con gái đang căm thù khuôn mặt của mình. Đan Tâm trả lời bằng dòng nước mắt. Nước mắt càng mặn càng âm thầm vô thanh.Người mẹ không thấy con lên tiếng, vội chạy vào. Bà không bất ngờ, nhưng đau đến thắt ruột. Nó cũng tuổi như con người ta, mà sao ra nông nỗi. Bà ân hận mình không đủ sức để cho con học hành đàng hoàng, tránh khỏi việc làm mẫu mặt thuê cho người ta. Mà rẻ mạt chứ có cao sang gì. Người cha chẳng quan tâm đến con. Như thể nó chẳng có liên quan. Điều này càng làm mẹ của Đan Tâm tủi thân và thương con. Bà nhìn sâu vào đôi mắt u uẩn thương tâm. “Con ơi, chiều này mẹ nấu cháo bồ câu cho con ăn nhé”. Người mẹ quan tâm nhưng tâm hồn cô đang trơ lì, cô không muốn ăn. Rồi một mảnh ký ức như luồng sáng nào đó bừng lên trong sâu tâm hồn, cô thấy chữ “bồ câu” lướt qua. Không. Cô nhớ tới người bạn yêu chim của mình. Bạn ấy nhạy cảm và bảo vệ chim ghê gớm. Cô nói: “Mẹ đừng thịt chim bồ câu nhé. Mẹ hãy tìm cách để nó được sống. Con ăn cháo trắng cũng được”.Người mẹ hơi sững lại. Không hiểu nó muốn gì, nhưng chiều con, bà không tranh cãi và lại gần ôm ấp vào lòng. Toàn thân nó ấm hôi hổi. Bà rờ nhẹ tay lên má con, vuốt và nựng. Đan Tâm ngoan ngoãn trong tay mẹ. Tim hai người hình như rủ nhau, cùng lúc thình thịch đập. Người mẹ nhìn xuống mặt con. Khuôn mặt con gái sần sùi mẩn đỏ, nhiều nốt vỡ chảy nước. Mỹ phẩm rởm có sức tàn phá khủng khiếp. Phải mất bao nhiêu tiền để chữa trị lại khuôn mặt, trả lại cho con gái bà vẻ đẹp vốn có?Mẹ Đan Tâm bận bịu tối mắt tối mũi, ngoài làm việc ở hãng giầy da, bà còn nhận thêm việc kế toán cho một công ty chuyên thiết bị điện tử. Bà muốn cố gắng gấp đôi gấp ba để có tiền trang trải cho cuộc sống. Con Đan Tâm đã không thể chịu đựng được cú sốc và muốn nghỉ học, chứ đừng nói đến chuyện nó còn muốn đi làm thêm. “Con cạch đến già mẹ ạ. Sợ lắm rồi”. Cô chỉ dám nói điều đó với mẹ, và chẳng bao giờ hé răng với người cha, vì sợ ông nổi đóa. Đến ngay như anh chàng người yêu, cô cũng ngại ngần chẳng dám gặp nhiều. Biết bạn ấy có thông cảm cho không, hay muốn lánh xa cô lắm rồi, mà chẳng dám nói ra vì sợ bạn gái buồn. Cậu chàng chính là mầm yêu đầu đời tuổi học trò hồn nhiên của cô. Cô mong được cậu ấy gìn giữ tuổi hồng thơ ngây của mình, và tuổi trẻ của cậu cho một tương lai đầy ắp hy vọng. Nhưng giờ khuôn mặt cô đã bị mỹ phẩm hủy hoại, một thứ dị ứng gì đó mà các bác sĩ nói khủng khiếp lắm, chữa trị được phải tốn rất nhiều tiền. Cậu ấy còn thật lòng thật dạ yêu thương một người đã mất đi khuôn mặt xinh xắn đáng yêu? Hay cậu ấy sẽ nghĩ rằng, với một cô gái hoàn cảnh, nhà nghèo, đến khuôn mặt cũng phải đem cho thuê, bán đi để lấy mấy đồng bạc lẻ đưa cho bố mua rượu, thì liệu còn xứng đáng làm một người vợ sau này?Đầu phố còn cụ đa. Tán cổ thụ bao đời làm chỗ dựa tinh thần cho người dân khu phố, giờ bóng dáng cổ thụ vẫn chở che cho từng ước mơ, hơi thở, những mảnh đời khó nhọc. Khi tâm trạng buồn nản, Đan Tâm thường tìm đến gốc đa. Lúc này khuôn mặt cô lở loét, cô nghĩ ngoài mẹ ra chẳng ai quan tâm đến mình ngoài gốc đa cổ thụ. Lòng cô sẽ rót vào đó những thủ thỉ nỗi niềm và cả những giọt nước mắt. Cô nghĩ rằng gốc cổ thụ xù xì thông cảm hiểu thấu.Cậu bạn trai không thấy nhắn tin, hỏi han, chắc lòng dạ lung lay, muốn buông tay cô ra. Trước đây những lúc khó nhọc, cô vẫn được bạn trai giúp đỡ. Lúc này, hẳn là người ấy quá mệt mỏi. Dù rằng gia đình không cấm cản, nhưng chúng bạn chê cười sẽ khiến cậu bạn nhụt chí.Buồn lòng, cô viết thư. Thư cô gửi vào đêm. Cô viết: “Xin gửi vào đêm”. Bức gửi vào ngày, cô ghi: “Xin gửi vào ngày”. Bức khác lại gửi cho nắng. Có khi cô gửi cho chính linh hồn mình. Chẳng biết thư có đến địa chỉ. Nhưng thiên nhiên và những ảo vọng, vòm xanh mênh mang của sự tưởng tượng đón lấy thư cô và hồi âm cô bằng sự cay đắng tột cùng, bằng những hơi thở hoặc tối hoặc sáng hoặc xam xám. Cô không biết mình gửi như vậy để làm gì. Có khi cô gửi cho một bầy chim. Hành động ấy là gì, nếu không phải là của một người chẳng làm chủ được bản thân, hay là của những khát khao trì níu một điều gì đó đang biến mất? Hay là những tiếng khóc âm thầm hy vọng gửi đến những miền hy vọng khác. Cô không đoán định được. Cô chỉ biết mình đang rất khác người.Đan Tâm gọi điện hỏi thăm người bạn thân nhất của mình thời phổ thông. Cô thông báo rằng mình đang sống không ổn tẹo nào. Diệp Vân thốt lên: “Tớ cũng không ổn. Bây giờ cuộc sống của tớ khá khó khăn vì mọi người đã biết bệnh của tớ”. Đan Tâm thốt lên: “Vậy ư?”. Đan Tâm lặng đi một hồi lâu, rồi hỏi: “Cậu có về dưới này không”. Diệp Vân nói tùy tình hình. Vậy là phức tạp quá, trên cả mức không ổn. Đan Tâm bỗng lo lắng. Cô bạn Diệp Vân cũng phải chuyển môi trường khác vì cuộc sống bị thay đổi do những biến chuyển bên trong cô. Cô bạn đã mọc cánh từ hai vết sẹo sau lưng. Đan Tâm lo sợ, biết đâu mình cũng mắc cùng một chứng bệnh như Diệp Vân. Khuôn mặt lở loét của cô, sẽ mọc ra những chiếc lông vũ của loài chim. Ôi, nếu vậy thì thật khủng khiếp!Người cha trách móc hai mẹ con vì đã đưa nhau đi chữa bệnh. Trong khi ông ta thiếu tiền mua rượu. Rượu chiếm trọn tâm hồn ông và ứ đầy lòng ích kỷ nên chẳng còn chỗ để dành cho cô con gái tội nghiệp. Hai mẹ con chỉ biết khóc. Đan Tâm thở dài. Sao mọi chuyện cứ đi ngược lại mong ước cô. Một ước mơ giản dị thôi cũng không có được. Cô ứa nước mắt. Cô rót nước mắt vào đêm. Đêm ngậm vào lòng nỗi cô độc màu đen.Gia cảnh lâm vào khánh kiệt. Tiền mất tật mang. Cô căm thù mỹ phẩm rởm, những thứ chất độc hại con người tạo ra để gây họa cho nhau. Người này kiếm miếng cơm thì buộc người khác lãnh nhận hậu quả. Buồn hơn vì người cha không thương con gái. Ông muốn xua đuổi cô. Từ lúc nào ông đã trở nên nhẫn tâm.Suốt mấy tháng trời, người mẹ đem con đi chữa trị. Tình yêu thương đã giúp bà trở nên can đảm, thêm sức cho bà căng ra với người chồng để giúp đỡ con gái. Nhưng sự nhọc lòng của hai mẹ con đã vô ích. Muộn phiền vẫn ê chề nằm trong từng nếp nghĩ của Đan Tâm, khi khi khuôn mặt cô không thể nào trở lại như trước. Cô chẳng còn tâm trạng ăn uống, trừ việc kết nối thêm bạn qua facebook cảnh báo công việc mình đã làm, để giảm số nạn nhân gánh chịu hậu quả. Cô không biết mình có thể giúp được ai nữa, nhưng rất cố gắng.Cô gái đáng thương lâm vào tình trạng mê man. Cô đi như người mộng du, nhằm hướng dòng sông. Đôi chân bước đi không cảm giác, không hề có cảm giác sợ hãi, dù có người như thể muốn đâm sầm vào cô. Quả tim của cô đã biến đâu mất sự rộn ràng. Này, sao không lên tiếng đi. Trả lời cô vẫn là sự im lặng, được khuấy đều bởi gió từ sông. Cô đứng lên thành cầu. Gió thốc qua tóc, qua vai, tóc cô oằn oại trong gió và hơi sương đêm. Cô nghe có ai đó gọi mình. Diệp Vân. Chị Diệp Sương. Hay là mẹ. Không rõ nữa. Hay người bạn trai. Người ấy còn quan tâm đến cô. Lúc cô đứng ở một độ cao nhất định, hai tay giang ra, thì lập tức tiếng thét vang lên. Bừng tỉnh lại thì mẹ cô đã ôm ngang người, từ phía sau cô. “Đừng làm thế này, con ơi, khổ thân quá. Hãy ở lại với mẹ”. Người mẹ kéo con gái xuống và cả hai cùng run. Gió run. Đêm run. Màu đen nhập nhòe ánh điện cũng run. Lát sau cô thấy buốt ở thái dương. “Mình đã không bán linh hồn cho quỷ dữ”. Cô gái nhủ thầm.Người đi đường dừng lại đông hơn. Đan Tâm xấu hổ. Tự nhiên cô thấy chuyện định làm trò dại dột của mình thật vớ vẩn. Cô thấy chán ghét bản thân.Lúc này, cậu người yêu tuổi học trò của cô cũng ào đến. Anh ta thốt lên: “Đan Tâm ơi, anh xin lỗi. Em hãy quay về”. Người đi đường lố nhố nhìn. Chàng trai tiếp: “Em đã gửi cho anh nhiều bức thư trong những thư em gửi cho gió, cho nắng, cả cho đêm nữa. Hẳn là em đã viết rất nhiều. Anh đọc được tâm sự của em. Anh xin lỗi, vì đã im lặng, hờ hững”.Đan Tâm thấy cổ họng nghẹn ứ, không biết là cục buồn chưa trôi hết, hay sự xúc động đang chèn vào một sợi dây thần kinh. Nó khiến cô không thể nào ổn định được cảm xúc. Mà cảm giác đã bị bào mòn phần nào trong thời thơ ấu. Cô vui hơn khi chàng trai nói: “Khuôn mặt em như vậy là vì người khác. Em đâu có tội tình gì. Rồi sẽ có cách để trả lại. Bằng không anh cũng chấp nhận em”.Chàng trai rút trong người ra một nhành hồng đỏ, trao cho Đan Tâm. Cô gái cười cảm động. Bất ngờ, bông hồng bị gió đánh, cánh hoa mỏng manh rõa ra rơi xuống dòng sông. Dòng sông và gió nuốt trọn những cánh hoa vào hố đêm sâu hoắm. Mọi người nhìn nhau. Đan Tâm luýnh quýnh lạ kỳ. Dường như hoa cũng như người, hoa đã rơi xuống sông, còn người yêu và tình mẹ vẫn ấm ở bên. Cô nở khẽ một nụ cười, với đêm, thấy mình chưa mất tất cả.