Tuy nhiên, để duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hoài Đức cần được TP hỗ trợ nguồn nhân lực kiểm soát VTNN. Vi phạm gia tăng Song Phương là một xã trọng điểm về sản xuất rau của huyện Hoài Đức. Toàn xã hiện có 187,3ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 10.000 tấn rau các loại. Vì vậy, trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh VTNN phục vụ nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra mới đây, đoàn kiểm tra ATTP liên ngành của huyện Hoài Đức đã phát hiện một số vi phạm của các cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) như: Buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng, thuốc BVTV cấm, giống cây trồng nhập lậu… Ông Nguyễn Đức Khoa - Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, mặc dù nông dân địa phương đã ý thức hơn trong việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhưng con số này cũng không đáng kể so với lượng phân bón, thuốc BVTV hóa học mà bà con đã sử dụng trên cây trồng. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân 2016, nông dân đã sử dụng khoảng 1 tấn thuốc BVTV, hơn 45kg phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng.
Không chỉ ở Song Phương mà tại các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Hoài Đức, tình trạng vi phạm về kinh doanh VTNN đang có nguy cơ gia tăng. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là số vụ vi phạm mà các lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện trong "Tháng hành động vì ATTP" năm 2016 (từ ngày 15/4 – 15/5): Phát hiện và xử lý 23 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 85 triệu đồng, tịch thu 14,5kg hạt giống rau nhập lậu, 4,5kg thuốc BVTV cấm, 24,5kg phân hữu cơ vi sinh và 11 lít phân bón lá quá hạn sử dụng. Ngoài ra, còn phát hiện 1 cơ sở sơ chế rau cung cấp thông tin không trung thực về chất lượng sản phẩm và 3 cơ sở bày bán chung thức ăn chăn nuôi với thuốc thú y, không có biển hiệu kinh doanh. Thiếu cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Hoài Đức, hiện nay, toàn huyện có 39 cửa hàng kinh doanh phân bón, giống cây trồng, thuốc BVTV, 30 cửa hàng kinh doanh thuốc và vật tư thú y, 29 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Vì vậy, huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền pháp luật về chất lượng VTNN và ATTP cho những đối tượng là người trực tiếp sản xuất, sơ chế rau an toàn, hộ chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm động vật. Đồng thời, huyện phối hợp với Chi cục BVTV Hà Nội triển khai ký cam kết 3 bên: Chi cục BVTV - UBND xã - chủ cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV về chấp hành các quy định của Nhà nước trong hoạt động buôn bán thuốc BVTV. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng phối hợp với Trạm BVTV, Trạm Thú y huyện tổ chức ký cam kết "Nói không với chất cấm" với các hộ giết mổ, chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Các vùng sản xuất rau an toàn như Song Phương, Tiền Yên, Vân Côn và Cát Quế được huyện đặc biệt quan tâm và giám sát chặt chẽ. Nhờ đó, đến nay, Hoài Đức có gần 300ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, 58,5ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, thực hiện sự chỉ đạo của TP, các lực lượng chức năng của huyện đã và đang kiểm tra gắt gao tình hình sản xuất, kinh doanh, lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ cộng với thủ đoạn kinh doanh chất cấm ngày càng tinh vi đã gây không ít khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra. Trong khi đó, vẫn có nhiều trường hợp kinh doanh VTNN theo mùa vụ, không đăng ký kinh doanh nên việc quản lý, theo dõi thêm phần phức tạp. Ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng, một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý VTNN chính là thiếu nhân lực thực thi giám sát. Do đó, kiến nghị TP cần sớm bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ chuyên trách về ATTP cho cấp huyện và xã. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để huyện mở các lớp tập huấn về lĩnh vực VTNN và ATTP cho người dân.
Một cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc |