Hoài Đức thiết lập kỷ cương trong quản lý trật tự đô thị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương có tốc độ đô thị nhanh, nên công tác quản lý trật tự xây dựng, an toàn giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, khi triển khai "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014", huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết với nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về công tác này.

Nhiều thách thức

Xã Đức Giang, huyện Hoài Đức từ lâu được biết đến là "đại bản doanh" của hoạt động xay xát, chế biến gạo. Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải nối đuôi nhau trên tuyến đường Tỉnh lộ 422, đoạn từ thị trấn Trạm Trôi qua Đức Giang đến xã Sơn Đồng để lấy hàng, khiến tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ thường xảy ra, ảnh hưởng đến đi lại của người dân và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Cách đó không xa, tại khu vực ngã tư Sơn Đồng, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh tập kết gỗ, sản phẩm tràn ra vỉa hè, lòng đường. Lý giải về thực trạng trên, theo ông Phạm Tiếp - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, nguyên nhân là do hầu hết các xã, thị trấn chưa xây dựng được bến, bãi để tập kết vật liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và phương tiện. Trong khi đó, nếu cấm tập kết nguyên vật liệu và xe cộ ở các làng nghề sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của các hộ dân. "Hơn nữa, dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản về hạn chế xe siêu trọng, siêu trường nhưng các xe này vẫn lọt qua nhiều "cửa" để vào khu vực làng nghề" - ông Tiếp cho hay.
Tuyến Quốc lộ 32 chạy qua huyện Hoài Đức khang trang, sạch đẹp.                         Ảnh: Thiện Quang
Tuyến Quốc lộ 32 chạy qua huyện Hoài Đức khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Thiện Quang

Trên địa bàn huyện Hoài Đức hiện có một số tuyến đường xương sống gồm: Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 422... với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Tuy nhiên, một số tuyến đường còn nhỏ hẹp, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Theo Chiến lược phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, huyện Hoài Đức đã lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường trên địa bàn, nhưng do khó khăn về kinh phí nên việc triển khai khá chậm trễ. Đơn cử, dự án nâng cấp tuyến đường Tỉnh lộ 422 đến năm 2013 mới được TP bố trí một phần kinh phí, huyện tiến hành GPMB và làm một số hạng mục thoát nước thì hết vốn và hiện vẫn chưa được cấp kinh phí để tiếp tục triển khai trong năm 2014. Bên cạnh đó, huyện Hoài Đức tuy có khá nhiều khu đô thị như Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh..., nhưng hệ thống hạ tầng của một số khu đô thị chưa hoàn chỉnh, chưa được khớp nối với các tuyến trục chính, dẫn tới nhiều bất cập.

Đặc biệt, theo ông Tiếp, một trong những thách thức lớn của huyện Hoài Đức khi triển khai "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" là công tác quản lý trật tự xây dựng. Từ năm 2010, việc cấp phép quản lý xây dựng được giao cho cấp xã, thị trấn. Huyện cũng tổ chức tập huấn cho cơ sở về công tác này. Đến năm 2012, toàn huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn mới của 100% số xã. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân đăng ký giấy phép xây dựng trên địa bàn huyện còn hạn chế, phần lớn người dân vẫn xây dựng một cách tự phát.

Quyết liệt vào cuộc

Trên cơ sở phân tích rõ những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2014, huyện Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh công tác quản lý giao thông, trật tự đô thị, nỗ lực tạo dựng bộ mặt một huyện ngoại thành "sáng - xanh - sạch - đẹp". Trong đó, đáng chú ý là Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị, UBND huyện ban hành Quy chế dân chủ thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Huyện cũng lựa chọn, xây dựng 3 tuyến đường văn minh đô thị gồm Quốc lộ 32, Tỉnh lộ 422 (đoạn từ Trạm Trôi đi Sơn Đồng), đường Sơn Đồng - Song Phương và mỗi xã thực hiện ít nhất một tuyến đường văn minh đô thị. Ban ATGT huyện đã phối hợp với lực lượng Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông và UBND các xã, thị trấn tổ chức 4 đợt giải tỏa vi phạm lòng, lề đường; tiến hành tháo dỡ các mái che, mái vẩy, thu giữ biển quảng cáo vi phạm cùng nhiều hàng hóa bày bán trên lòng, lề đường. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Nuôi - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến đường Tỉnh lộ 422, đoạn từ Trạm Trôi đi Sơn Đồng, từ ngày 20/4, huyện Hoài Đức đã thực hiện cấm các loại ô tô có tải trọng trên 10 tấn dừng, đỗ trên tuyến đường này vào các giờ cao điểm hàng ngày, buổi sáng từ 6 - 9 giờ, buổi chiều từ 15 - 19 giờ. Bên cạnh đó, Hoài Đức còn xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện và các đoàn thể thực hiện cuộc vận động các gia đình ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường và trật tự ATGT, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Song song với đó, thiết lập quản lý lòng đường, vỉa hè và có giải pháp chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang lòng đường.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức đề xuất, để cải thiện tình hình giao thông, TP cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho địa phương chỉnh trang, nâng cấp các tuyến đường. Bên cạnh đó, các ngành, cấp cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong công tác tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ của "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" và nhất là sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần