Công trình vi phạm tại xứ đồng Ngang, thôn An Hạ, xã An Thượng được xử lý ngày 21/5. Ảnh: Nguyễn Trường |
Rà soát, phân loại vi phạmHiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên của 20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hoài Đức là 8.493,2ha. Là địa phương có nhiều làng nghề và đường giao thông chạy qua như QL32, Đại lộ Thăng Long, những năm gần đây, hạ tầng của huyện Hoài Đức được cải thiện rõ rệt. Kinh tế phát triển, hàng loạt khu đô thị được triển khai là nguyên nhân tiềm ẩn vi phạm đất đai, xây dựng. Trước thực trạng này, năm 2017, UBND huyện thành lập 4 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn xử lý vi phạm đất đai tại các xã Dương Liễu, Song Phương, Cát Quế… Qua kiểm tra, rà soát đã xác định ở xã Dương Liễu có 29 trường hợp vi phạm, xã Song Phương 26 trường hợp… chủ yếu là nhà xưởng, nhà ở, lều lán. Tổ công tác đã phối hợp, hướng dẫn địa phương lập hồ sơ vi phạm, xây dựng kế hoạch xử lý. Chủ tịch UBND xã An Thượng Nguyễn Chí Lương cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã tích cực vào cuộc xử lý nên chỉ để xảy ra một số trường hợp vi phạm về đất đai. Lực lượng chức năng của xã và Đội Quản lý trật tự xây dựng đã kịp thời phát hiện vi phạm đất đai tại một số xứ đồng thôn An Hạ, thôn Thanh Quang từ sớm, qua đó ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Quá trình xử lý, các trường hợp có công trình vi phạm đã được giải thích kỹ về quy định và hành vi vi phạm nên sau khi tháo dỡ công trình không thắc mắc, khiếu nại. Nhờ có sự quyết liệt trong việc tuyên truyền, xử lý ngay từ ban đầu nên vi phạm đã thuyên giảm.Phân rõ trách nhiệmTừ thực tế rà soát, phân loại, UBND huyện Hoài Đức đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý dứt điểm những vi phạm cũ, đồng thời áp dụng biện pháp kiên quyết ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới. Tại một số xã có nhiều vi phạm, các đơn vị rà soát, thiết lập chặt chẽ hồ sơ, tuyên truyền, vận động hoặc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình theo quy định. Nhờ vậy, công tác xử lý vi phạm đất đai, xây dựng ở Hoài Đức đã chuyển biến tích cực.Cụ thể, năm 2017 trên địa bàn huyện có 98 trường hợp vi phạm, đã xử lý dứt điểm 70 trường hợp, còn 28 trường hợp. Năm 2018 có 62 trường hợp vi phạm, đã xử lý xong 42 trường hợp, còn 20 trường hợp. Từ đầu năm 2019 đến nay, phát sinh 36 trường hợp vi phạm, tập trung ở các xã Song Phương, Kim Chung, Vân Canh… trong đó đã xử lý dứt điểm 26 trường hợp, đang xây dựng kế hoạch xử lý các trường hợp còn lại.Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, thời gian đầu, sự phối hợp giữa các đơn vị còn có sự chệch choạc. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, phân định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ chuyên môn và các xã, thị trấn để làm căn cứ giải quyết hoặc đưa vào bình xét thi đua. Do vậy, cán bộ các đơn vị đã nhận thức rõ trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo. “Từ năm 2017 đến nay, hàng loạt các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện được ban hành gắn với trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo các đơn vị. Chính yếu tố này giúp công tác quản lý đất đai dần đi vào nền nếp. Thời gian tới UBND huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai ngay từ khi mới xảy ra. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công”- ông Anh khẳng định.