Điều đáng nói, hầu hết các trạm này đều không có các loại giấy phép bắt buộc như giấy phép xây dựng; báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xả thải ra môi trường… Để chấn chỉnh tình trạng này, từ tháng 4/2016 UBND huyện Hoài Đức đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Ô nhiễm và mất an toàn Theo UBND huyện Hoài Đức, hầu hết các trạm trộn bê tông nằm trên địa bàn các xã An Khánh, Lại Yên, Vân Canh đều hoạt động thiếu các loại giấy phép và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiếng ồn, khói bụi và chất thải từ sản xuất chưa qua xử lý vô tư xả trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Chưa hết, để có nguyên vật liệu cho các trạm trộn hoạt động cũng như thành phẩm bán ra thị trường, hàng ngày tại những tuyến đường qua địa bàn các xã thường xuyên xuất hiện hàng đoàn xe tải ra vào các trạm trộn bê tông. Trong số đó có rất nhiều xe siêu trường, siêu trọng chở xi măng, cát, sỏi và bê tông thành phẩm qua lại dẫn đến đường sá bị cày nát.
Nguy hiểm hơn, những xe bê tông của các công ty nhiều khi chạy ngược chiều và đỗ dưới lòng đường gom Đại lộ Thăng Long (theo hướng Hà Nội - Hòa Lạc), khiến giao thông nơi đây trở nên hỗn loạn. Một người dân xã An Thượng cho biết: Mỗi lần đi qua đây, tôi rất sợ vì cầu vượt cách đó khá xa, để tiết kiệm thời gian, nhiều tài xế đã bất chấp nguy hiểm, cố tình vi phạm giao thông, cho xe chạy ngược chiều, vô cùng nguy hiểm. Theo ông Phạm Tiếp - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, các trạm trộn bê tông trên được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010, tuy nhiên cũng có trạm được xây dựng trong năm 2015. Trước kia Thanh tra xây dựng thường xuyên kiểm tra nhưng các biện pháp xử lý thiếu quyết liệt, nên các vi phạm mới tồn tại cho đến nay. Lập tổ công tác xử lý Trước thực trạng trên, từ cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Hoài Đức đã thành lập Tổ công tác liên ngành phối hợp với UBND các xã kiểm tra, xử lý vi phạm của các trạm trộn bê tông. Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, từ ngày 25/4 - 27/5, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 25/25 trạm trộn trên địa bàn. Qua kiểm tra cho thấy, đa số các trạm đều không có giấy phép xây dựng, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường và có hành vi sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép. Đơn cử, trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngân Hằng đặt tại dự án Khu du lịch sinh thái Ngân Hằng (thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh) do thiếu các loại giấy phép nên bị xử phạt và yêu cầu đình chỉ vi phạm nhiều lần nhưng vẫn cố tình hoạt động. Cụ thể, ngày 8/4, Thanh tra xây dựng huyện Hoài Đức và UBND xã Vân Canh đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu trạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đến ngày 26/5, khi Tổ công tác đến kiểm tra trạm trộn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngân Hằng và nhận thấy trạm vẫn hoạt động bình thường dù vẫn thiếu các loại giấy phép. Cũng tại đợt kiểm tra vừa qua, Tổ công tác cũng đã lập biên bản vi phạm, đề nghị UBND huyện trình UBND TP Hà Nội xử phạt (theo thẩm quyền) trạm trộn bê tông của 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngân Hằng, Công ty CP Sông Đà 7.04 và Công ty TNHH Thương mại Minh Tâm. Đề nghị UBND huyện xử phạt hành chính 8 trường hợp và tháo dỡ các trạm trộn trên đất nông nghiệp của Công ty CP Bê tông và Xây dựng An Khánh (thôn Phương Bản, xã Song Phương); trạm trộn của Công ty TNHH Linh Đan (khu Tây Biên, xã Song Phương). Theo ông Phạm Tiếp - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức, trong lần kiểm tra này quan điểm của UBND huyện sẽ rà soát lại, trạm nào đủ tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện cho hoạt động. Trạm nào không đủ điều kiện, nhất là những trạm xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ xử lý dứt điểm.
Một trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Trần Thụ |