Hoài niệm một lối sống thanh lịch Hà thành

Phú Gia
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội bộn bề chuyện để nhớ và kể, bộn bề những đổi thay khi nhìn nay ngẫm xưa…, nhưng phim về Hà Nội vẫn không thôi làm người yêu điện ảnh và yêu mảnh đất này thấy chông chênh thiếu vắng.

Thế nên, chỉ nghe tiếng “Chiều ngang qua phố cũ” – một bộ phim đậm chất Hà Nội của đạo diễn Trịnh Lê Phong, sắp lên sóng VTV1 trong “giờ vàng” (từ 2/12), công chúng đã lao xao chờ đợi.
Chuyện về
Hà - Thành - Thanh - Lịch
“Chiều ngang qua phố cũ” là bức tranh tổng thể về một đại gia đình họ Trần, gốc Hà Nội. Ấy là câu chuyện đời sống hiện đại của một gia đình truyền thống với đủ đầy những xung đột thế hệ, quan điểm sống tình cảm, thực dụng và cả những ưu tư về một lối sống thanh lịch Hà thành đang dần mai một. Trong ngôi nhà đó, riêng cái tên cha mẹ đặt cho 4 anh em ruột đã thể hiện phần cốt cách văn hóa của một gia đình Hà Nội nhiều đời: Hà - Thành - Thanh - Lịch. Cuộc sống của 4 gia đình đang êm đềm trôi thì “nội chiến” xảy ra khi người con trai thứ hai muốn xây dựng nghĩa trang dòng họ trên mảnh đất của gia đình anh. Mâu thuẫn khởi nguồn từ quyền sở hữu căn nhà có sân vườn cổ cha mẹ để lại, rồi mâu thuẫn lại được cởi nút từ chính xung đột gia đình ấy. Bởi quãng thời gian vật lộn với mâu thuẫn phát sinh, từng thành viên càng hiểu sâu sắc giá trị của mối quan hệ huyết thống, anh em ruột thịt, vợ chồng con cái.
 Một cảnh trong phim “Chiều ngang qua phố cũ”.
Thế nhưng, điều đáng nói từ những thước phim này là đã tái hiện nếp nghĩ, sinh hoạt, thói quen ứng xử đặc trưng của người Hà Nội, trong đó có những điều tốt đẹp cần giữ lại lẫn những điều đã “lỗi thời” nên cất vào ký ức. Nó khiến người đương thời nhận ra mình giữa vòng xoay hối hả của cuộc sống công nghiệp, nhận ra những điều còn – mất trong nét thanh lịch của người Hà Nội hôm nay. Và cũng từ đó mà sâu xa hơn với con đường “gạn đục khơi trong”, tiếp thu – chọn lọc – cải biến văn hóa để xây dựng văn hóa người Hà Nội trong thời hội nhập. Đúng như có người nhận xét: “Chiều ngang qua phố cũ” dưới cách kể của đạo diễn Trịnh Lê Phong, có lúc êm đềm, có lúc lại kịch tính. Và trong những cái tưởng chừng đặc trưng của một gia đình Hà Nội gốc, khán giả lại nhận ra một câu chuyện rất chung mà có thể bất cứ gia đình nào đều có thể đã, đang và sẽ trải qua.
Hội tụ anh tài
Đạo diễn Trịnh Lê Phong đã hội tụ được cả một dàn diễn viên kỳ cựu, từng sống trong lòng khán giả bằng những vai diễn nặng chiều sâu tâm lý như NSND Bùi Bài Bình, NSND Anh Tú, NSƯT Minh Trang, NSƯT Hoa Thúy… Đạo diễn không giấu giếm sự kỳ công này, bởi bộ phim mà anh vô cùng tâm đắc chất chứa đầy mâu thuẫn cùng những nhân vật với diễn biến tâm lý phức tạp.
Thật trùng hợp là những “anh tài” hội tụ trong bộ phim về Hà Nội này toàn những người Hà Nội, yêu mảnh đất ngàn năm đến sâu xa. Bản thân đạo diễn Trịnh Lê Phong cũng là người phố cổ, dù trẻ tuổi nhưng đã kinh qua hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trong phim. NSND Bùi Bài Bình thì ngay trong phong thái đã đầy vẻ trầm tĩnh của người Hà Nội, nên dễ hiểu vì sao anh tỏ bày: “Chúng tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp: Hãy giữ lấy tinh hoa của Hà Nội, không chỉ là ở những ngôi nhà, mà còn ở tinh thần của con người”. Còn NSƯT Minh Trang dù sống ở Singapore nhưng vẫn ôm ao ước được hóa thân trong một bộ phim ở Hà Nội, nói về Hà Nội – nơi chị đã sinh ra và lớn lên. Thế nên, “Chiều ngang qua phố cũ” với chị là một cái duyên mà khi vừa đối diện, chị đã mê say. Đấy là chưa kể những gương mặt sáng giá của màn ảnh như NSND Anh Tú, NSƯT Hoàng Lan, NSƯT Công Lý, Xuân Trường… Sức hút của bộ phim về Hà Nội với những người Hà Nội là thế, nên hiểu được vì sao có người đã xa màn ảnh tới gần 20 năm, vẫn “ưng bụng” bước vào khung cảnh “Chiều ngang qua phố cũ”…
Có lẽ sau “Người Hà Nội” của đạo diễn Hoàng Tích Chỉ (chuyển thể từ tiểu thuyết “Phố” của nhà văn Chu Lai), công chúng Thủ đô mới lại thắc thỏm chờ những tập phim thướt tha dáng dấp người Hà thành như vậy. Chờ những dư âm đọng lại sau “Chiều ngang qua phố cũ” để có thể gán tên nhân vật trong phim cho một diễn viên như đã từng “đính” tên NSND Lê Khanh với “Người Hà Nội” và hát mãi “Chị tôi” – bài hát trong phim “Người Hà Nội” - trên sân khấu Hà thành.